Ông Trần Văn Đấu là tấm gương sáng trong học tập và làm theo Bác Hồ

Tuổi cao gương sáng 28/04/2022 10:14
Thế nhưng, bằng tình yêu trọn vẹn với nghề truyền thống mà cha ông truyền lại, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã gìn giữ và hồi sinh một làng nghề…
72 tuổi nhưng ông Kỳ Hữu Phước đã có hơn 60 năm làm tranh. Ông là đời thứ 9 dòng họ Kỳ vào đất Thuận Hóa định cư vào thời Trịnh - Nguyễn, mang theo nghề làm tranh dân gian làng Sình. Chứng kiến bao thăng trầm lịch sử cũng như những biến thiên của tranh làng Sình, duy chỉ mình ông Phước giữ được nguyên vẹn hơn 100 bộ mộc bản làm nghề.
![]() |
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước |
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước nhớ lại, có một thời nghề làm tranh đã nuôi sống biết bao phận người, ăn sâu vào văn hóa của làng Sình, tuy nhiên từ sau giải phóng (1975), tranh làng Sình đối mặt với nhiều khó khăn. Thời điểm ấy, khi đời sống còn thiếu thốn, con em không có giấy để học tập nên việc làm tranh phục vụ tâm linh được xem là lãng phí. Phần nữa, vì bị xem là mê tín dị đoan nên nghề tranh làng Sình bị cấm đoán. Nhiều khuôn in, giấy bút trong làng bị chính quyền tịch thu mang đốt khiến người dân làng Sình không khỏi xót xa. Phần vì yêu nghề, phần vì tiếc "di sản" của cha ông để lại, vợ chồng ông Phước liều mình đưa những tấm khuôn đi giấu, rồi đào hầm chôn đồ nghề trong nhà lén vẽ tranh. Đêm về gia đình làm thêm tranh rồi lấy dây buộc vào bụng, mang áo bên ngoài đem lên phố, đưa đi các tỉnh thành miền Trung để bán mưu sinh.
![]() |
Sau này khi đất nước đổi mới, tranh làng Sình được nhìn nhận lại đúng với giá trị, chính gia đình ông Phước là những người nhiệt tình mang những tinh hoa của nghề còn giữ được truyền lại cho nhiều người dân khác. Ông tâm sự: “Thời kì đó tất cả những người làm nghề trong làng đều quay lưng với nghề. May sao chỉ còn gia đình tôi lưu giữ lại được những mộc bản ông cha để lại. Hình mẫu tôi khắc rồi đem tới cho người ta mượn. Muốn làng nghề sống lại là làm thế nào để người ta yêu nghề, người ta làm với mình”.
![]() |
Với quyết tâm khôi phục làng tranh truyền thống, ông tự nguyện bỏ tiền, bỏ công ngày đêm cặm cụi ngồi khắc bản mộc in tranh đem đến từng nhà vận động dân làng tiếp tục làm tranh. Tranh họ làm ra, ông lặn lội mang đi khắp các chợ trong và ngoài tỉnh để chào hàng. Dân làng dần tin tưởng và làm theo ông. Hiện nay, làng Sình đã có trên 70 hộ theo nghề làm tranh. “Tới hôm nay, hơn 20 năm rồi. Bây giờ cũng có tới 40% số hộ trong làng làm nghề. Chứng tỏ nghề đã sống lại”, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước không giấu được sự vui mừng bộc bạch.
![]() |
Bản khắc tranh Bát âm |
Theo các nhà nghiên cứu, nét nổi bật của tranh làng Sình khác với những dòng tranh dân gian nổi tiếng khác như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng,.. không phải là sự cầu kì mà chính là bởi những nét vẽ đơn sơ, mộc mạc, đậm chất làng quê. Ngoài màu chính được in từ khuôn, những màu sắc còn lại được vẽ hoàn toàn bằng tay nên mang đậm dấu ấn cá nhân, không có bức nào giống bức nào. Tranh làng Sình có đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng, cam, đen… đều được làm từ cây cỏ. Ngoài các đề tài về tín ngưỡng, để tạo thêm phong phú cho tranh, thời gian trở lại đây ông Phước tìm tòi sáng tác, khắc mộc bản về họa tiết trò chơi, như đấu vật truyền thống của làng Sình lên tranh; tranh Bát âm, tranh 12 con giáp…
Ông Phước còn mở lớp dạy nghề làm tranh miễn phí cho các thanh, thiếu niên trong làng, với tất cả cái tâm dành cho làng nghề. Ông Phước tâm sự: “Tôi luôn có trách nhiệm với nghề truyền thống của ông cha để lại. Hằng năm đều mở lớp truyền nghề, dạy nghề. Không những dạy nghề làm tranh mà dạy khắc mộc bản”. Tranh làng Sình có lẽ chỉ còn trong kí ức nếu không có một người con yêu nghề, yêu làng như Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. Đến nay, gia đình ông vẫn gắn bó với nghề tổ tiên để lại. Ông, vợ và con trai đều được công nhận là “Nghệ nhân tranh làng Sình”. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những con người tâm huyết, đã sống chết với nghề tổ truyền lại.