Người cao tuổi góp phần đưa chè Vân trở lại
Biểu dương cán bộ hội tiêu biểu 02/07/2024 09:03
Xã Bản Sen không có thôn hay địa danh nào gọi là Vân, nhưng lại có chè Vân, nhiều người cho rằng chữ Vân có lẽ là chữ đầu của huyện Vân Đồn. Những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản ở Bản Sen phát triển mạnh, tạo nguồn thu vượt bậc, vậy là lớp trẻ đều lao vào nuôi trồng thủy sản.
Chè Vân được trồng ở vườn đồi gia đình ông Phạm Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Sen. |
Ông Phạm Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Sen là người đã có nhiều công vận động người dân trồng, bảo tồn giống chè Vân cho biết: “Hiện toàn xã có 30 hộ tham gia trồng và bảo tồn chè Vân trên diện tích 10ha, chỉ có 4 hộ là người trẻ tuổi, còn lại đều là những người từ 60 tuổi trở lên. NCT xã Bản Sen đã đóng góp rất nhiều trong việc bảo tồn chè Vân.
Ông Phạm Văn Thành, 77 tuổi, nhưng vẫn hằng ngày cùng vợ đi thu hái và chăm sóc chè Vân, kể: Từ đời ông bà, cụ kị của chúng tôi đã có chè Vân mọc trên đất Bản Sen. Xưa trà Vân (chế biến từ búp cây chè Vân) được các bậc quan lại, quý tộc, những người nho nhã rất ưa chuộng. Sản phẩm chè Vân đã vượt biển đến nhiều nơi trong nước và trở thành loại nước giải khát.
Cũng theo ông Thành, rừng chè Vân thời chống Pháp còn là nơi hoạt động của cán bộ cách mạng. Thời ấy, chỉ có chè mọc hoang trong các khu rừng tự nhiên. Chè Vân xen lẫn với cây rừng khác trở thành “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” ở đảo Bản Sen. Cán bộ sống trong rừng, rồi cùng người dân trong thôn thu hoạch chè, để bán buôn cho các thuyền buôn đến từ nhiều địa phương của Quảng Ninh như đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, TP Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên làm nguồn sinh sống, duy trì hoạt động của cán bộ trong nhiều năm kháng chiến.
Sản phẩm Trà Vân Bản Sen. |
Bà Hoàng Thị Hải, 71 tuổi, suốt cuộc đời gắn bó với nghề chế biến chè Vân, cho biết: “Thời bao cấp, ở xã Bản Sen có HTX Cam - Chè trồng chè Vân lên đến vài chục héc-ta. Thời ấy, chè Vân được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Thương hiệu chè Vân có từ thời đó”.
Từ ngày chuyển đổi bao cấp sang kinh tế thị trường, HTX Cam - Chè được tách ra cho các hộ sản xuất. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, do kinh tế thị trường có nhiều biến động, nghề nuôi trồng thủy sản ở Bản Sen chiếm ưu thế, các hộ đều lao vào nuôi trồng thủy sản, vì cho thu nhập cao hơn. Cây chè Vân bị lãng quên không được chăm sóc giống như cây hoang trong rừng. Đến nay, diện tích chè Vân trên địa bàn xã Bản Sen không nhiều, phân bố rải rác ở các thôn Đồng Gianh, Nà Sắn, Bản Sen.
Hiện nay, UBND xã Bản Sen phối hợp với một số doanh nghiệp phát triển cây chè Vân trở thành sản phẩm đặc sản của xã và sẽ phát triển chè Vân trên diện tích lớn hơn. Sản phẩm Chè Vân hiện nay chủ yếu do Công ty Trà Vân Bản Sen sản xuất, với sản lượng từ 300 - 500kg chè khô/vụ. Các sản phẩm chè Vân vẫn tiếp tục được đầu tư chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như thiết kế bao bì sản phẩm theo hướng gắn với hàng hóa, lịch sử thương cảng Vân Đồn.