|
Tốc độ chạy tàu và tải trọng của đoàn tàu trên tuyến Bắc-Nam vẫn chưa được đồng nhất do sự yếu kém về hạ tầng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Theo ông Minh, số vốn trên nằm trong kế hoạch chiến lược phát triển đường sắt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải có quyết định phê duyệt chiến lược phát triển đường sắt đến năm 2030 trong đó có cả đường sắt hiện hữu và đường sắt tốc độ cao trong tương lai.
“Nguồn kinh phí dành cho đường sắt hiện hữu đến năm 2030 tổng nguồn vốn là 110.000 tỷ đồng dành cho cải tạo, nâng cấp với mục tiêu tăng năng lực thông qua lên gấp 3-4 lần, cải thiện tốc độ chạy tàu, tăng cường an toàn giao thông cho đường sắt. Tuy nhiên, kế hoạch này được phê duyệt từ năm 2014 nhưng phải thấy rằng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp nên từ đó đến nay chưa được bố trí,” ông Minh giãi bày.
Trên cơ sở này, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ ưu tiên bố trí 7.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương trung hạn 2016 -2020 để cải tạo, nâng cấp 4 công trình thiết yếu tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2017-2020.
Ngay sau đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và vừa được thông qua. Căn cứ các giai đoạn sau, ngành đường sắt sẽ có những đề xuất tiếp tục để bố trí thêm nguồn ngân sách theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt trên cơ sở thực trạng sản xuất kinh doanh, hạ tầng đường sắt.
Theo người đứng đầu VNR, chi phí duy tu sửa chữa hàng năm của ngành đường sắt chỉ được bố trí khoảng 30% (khoảng 2.000 tỷ đồng) so với nhu cầu. Vì thế, các hạng mục sửa chữa liên tục bị dồn lại, càng ngày càng xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn chạy tàu và ngành đường sắt phải chắt chiu “liệu cơm, gắp mắm” để lựa chọn những dự án cấp thiết nâng cấp, sửa chữa.
Với gói 7.000 tỷ đồng, ngành đường sắt kỳ vọng khi hoàn thành sẽ đảm bảo mục tiêu tăng năng lực thông qua của đoàn tàu, đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao kết cấu chạy tàu, giảm xốc lắc khi tàu chạy, nâng cao chất lượng dịch vụ.
“Đường sắt không đặt mục tiêu tăng tốc độ chạy tàu nhưng tốc độ chạy tàu có thể được cải thiện ở một số khu đoạn do kết cấu hạ tầng đường sắt (ray, hầm, cầu yếu, đường ke ga mở rộng và kéo dài giúp tránh tàu, tăng năng lực thông qua) được cải thiện hơn so với trước. Nếu bỏ ra 10.000 tỷ làm toàn bộ khu đoạn mới tăng tốc độ chạy tàu thì chỉ tăng được khoảng 10%, giữa 11 tiếng với 10 tiếng hiệu quả kinh tế không mang lại, chi phí lại quá lớn. Thay vào đó, VNR tính toán tăng năng lực thông qua,” ông Minh nhìn nhận.
Ngoài ra, Tổng công ty đã tính toán, chuẩn bị kỹ đầu tư các hạng mục, sau khi được thông qua sẽ lựa chọn tư vấn, xây dựng dự án, thiết kế… với những hạng mục mới. Với những hạng mục đã có trong các dự án trước, được phê duyệt rồi nhưng chưa được bố trí vốn sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục theo quy định mới để triển khai.
"Khó khăn nhất hiện nay là phải thực hiện trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác. Việc thi công chỉ có thể làm tranh thủ thời gian giãn cách giữa hai chuyến tàu, phong tỏa khu gian trong thời gian ngắn. Nếu thuận lợi, giữa năm 2021 cơ bản có thể hoàn thành các tiểu dự án này,” ông Minh nói.
Với khoản kinh phí này, Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất 4 dự án chi tiết gồm dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh tổng mức đầu tư dự kiến 1.600 tỷ đồng; đoạn Nha Trang-Sài Gòn tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng. Dự án cải tạo, nâng cấp các hầm yếu và các công trình thiết yếu đoạn Vinh-Nha Trang tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng và dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.
|
Đường sắt sẽ cải tạo, nâng cấp hệ thống nền đường, thay thế tà vẹt, ray, ghi để đảm bảo an toàn và nâng tốc độ chạy tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Cụ thể, VNR sẽ cải tạo, nâng cấp 111 cầu yếu nhằm mục tiêu đồng nhất tải trọng 4,2 tấn/m, đảm bảo an toàn và nâng cao tốc độ chạy tàu đạt bình quân 80 km/giờ. Sau khi đồng nhất tải trọng 4,2 tấn/m trung bình mỗi xe hàng sẽ chở tăng thêm 8,4 tấn hàng (với đoàn tàu kéo 25 toa xe sẽ tăng thêm được khoảng 140 tấn hàng), tăng năng lực chuyên chở thông qua, tận dụng năng lực sức kéo dư thừa, đảm bảo tăng doanh thu cho ngành, hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Ngoài ra, VNR sẽ thực hiện cải tạo, mở thêm đường số 3 đối với 7 ga; kéo dài đường ga đảm bảo chiều dài dùng được hơn 400m đối với 27 ga; mở mới 12 ga và trạm nhường tránh để giải quyết nút thắt về vận tải.
Dự án này đảm bảo đồng nhất về tiêu chuẩn chiều dài trọng lượng đoàn tàu trên toàn tuyến Bắc-Nam, góp phần tăng năng lực thông qua (từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm), rút ngắn thời gian quay vòng toa xe.
VNR cũng dự kiến thực hiện cải tạo nền đường, thay thế tà vẹt, ray, ghi, đường cong bán kính nhỏ hơn 300m của 400km/tổng số 1.726km để đảm bảo an toàn và nâng tốc độ chạy tàu.
Bên cạnh đó, VNR cũng tính toán phải xây dựng 42km hàng rào, đường gom để đóng các lối đi dân sinh đảm bảo an toàn giao thông; cải tạo mái che ke ga tại 13 ga có lưu lượng hành khách đi tàu lớn./.
VIETNAM+