Một tấm gương tiêu biểu
Tuổi cao gương sáng 24/08/2022 10:07
Năm 1986, xuất ngũ trở về địa phương với hai bàn tay trắng, ông Hoạt làm đủ nghề như: Trồng lúa, ngô, khoai rồi chăn gà, vịt... thế nhưng cái nghèo vẫn mãi đeo bám gia đình ông.
Năm 2000, nhận thấy địa phương có lợi thế về nguồn tài nguyên rừng với nhiều loại cây hoa có nguồn cung cấp mật cho giá trị dinh dưỡng cao nên ông Hoạt quyết định tập trung phát triển kinh tế từ nghề này. Ông “đánh bạo” vay mượn tiền anh, em bạn bè để đầu tư nuôi ong lấy mật.
Mô hình nuôi ong lấy mật đem lại thu nhập cao cho gia đình. |
Dẫn chúng tôi thăm những tổ ong được xếp ngay ngắn trong vườn cây ăn quả của gia đình, ông Hoạt chia sẻ: Nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác và ai cũng có thể làm được. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra khoảng 2 giờ đồng hồ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong. Nhưng quá trình chăm sóc lại đòi hỏi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong như di chuyển, ăn, xây tổ, chia đàn...
Ban đầu gom nhặt được số tiền hơn 2 triệu đồng, ông Hoạt mua 8 tổ ong để nuôi thử nghiệm. Do chưa có kinh nghiệm, nên đa phần ong bỏ đi, số còn lại cho mật rất ít. Không nản chí, ông Hoạt tiếp tục mua thêm 10 tổ ong với giá 2,5 triệu đồng để nuôi. Lần này, ông Hoạt lặn lội đi các tỉnh miền núi như: Bắc Giang, Lạng Sơn để học hỏi cách nuôi ong lấy mật. Song song với những kinh nghiệm đúc kết được, ông còn tìm tòi, học hỏi từ sách, báo, tạp chí, tivi về các mô hình nuôi ong cho hiệu quả cao, rồi áp dụng khoa học kĩ thuật để xây dựng quy trình chăm sóc phù hợp. Nhờ đó, đàn ong của ông Hoạt cho sản lượng và chất lượng mật tốt, thị trường tiêu thụ được mở rộng.
Từ năm 2018 đến nay, gia đình ông Hoạt duy trì nuôi trung bình từ 80 đến 100 đàn ong. Có thời điểm trên 220 đàn, mỗi năm cho từ 500 đến 700 lít mật, thu nhập 120 triệu đồng/năm. Cùng đó, hằng năm, ông Hoạt còn bán dụng cụ nuôi ong (thùng đựng) và bán giống (bán đàn ong), bình quân mỗi năm gia đình bán từ 60 đến 80 đàn ong với giá từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/đàn, tùy thời điểm. Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi 200 con ba ba thương phẩm; trồng gần 1 ha cây ăn quả và 2 ha bạch đàn. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, gia đình ông có thu nhập ổn định từ 250 đến 300 triệu đồng mỗi năm.
Ông Hoạt cho biết: Vào mùa xuân, tại đây có rất nhiều loại hoa (hoa nhãn, hoa vải...) nên tôi thường nuôi ong tại vườn nhà. Đến mùa Thu, lại mang ong đi gửi ở các xã trong thành phố như: Sơn Dương, Tân Dân, Bằng Cả... thậm chí cả Sơn Động (Bắc Giang). Nhờ nguồn phấn hoa tự nhiên phong phú, đa dạng quanh năm nên sản phẩm mật ong của tôi chất lượng bảo đảm, được khách hàng ở các tỉnh, thành: Bắc Giang, Hà Nội… ưa chuộng.
Không chỉ năng động phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao cho gia đình, ông Hoạt còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho những NCT. Năm 2019, ông Hoạt cùng 11 hộ NCT trên địa bàn phường thành lập Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật. Từ đó, các thành viên tổ hợp tác tập trung hoàn thiện quy trình nuôi ong, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chủ động đăng kí tham gia chương trình OCOP nhằm xây dựng thương hiệu mật ong phường Việt Hưng.
Ông Trần Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội NCT phường Việt Hưng chia sẻ: “Ông Hoạt là hội viên NCT tiêu biểu với ý chí vững vàng, cần cù lao động vươn lên làm giàu. Không chỉ tiêu biểu trong phát triển kinh tế, ông Hoạt còn tích cực tham gia các phong trào do Hội NCT phát động, tổ chức; nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên khác khi có nhu cầu”.