Làm giàu từ nghề nuôi ong
Tuổi cao gương sáng 15/10/2024 10:15
Năm 1982, xuất ngũ trở về địa phương, ông Ngô luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Bươn chải nhiều năm với nghề nông chỉ đủ ăn chứ không khá giả, cuộc sống gia đình vẫn khó khăn. Với bản chất người lính Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, ông phát triển kinh tế bằng nghề nuôi ong mật.
Ông Hoàng Văn Ngô và đàn ong mật của gia đình. |
Cơ duyên đưa ông Ngô đến nghề nuôi ong là năm 2000, khi đi chơi nhà một đồng đội ở tỉnh Hòa Bình, ông được bạn giới thiệu cho nghề nuôi ong. Nhận thấy địa hình, quê hương của mình cũng có thể nuôi ong cho hiệu quả cao, ông bắt tay vào nghề nuôi ong lấy mật. Những tưởng việc làm ăn “xuôi chèo mát mái”, nào ngờ thời gian đầu một số đàn đã bay đi, một số bị chết. Nhưng với quyết tâm của mình, ông học hỏi thêm kinh nghiệm từ những mô hình khác và tham khảo trên sách báo, dần dần ông đã giữ và phát triển được đàn ong, bình quân mỗi năm ông nhân lên khoảng 10 đàn ong mật. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 100 đàn ong lấy mật, và 50 đàn nuôi để tạo ong chúa. Với giá bán trên thị trường hiện nay 300.000 đồng/1kg, bình quân mỗi năm thu về hơn 500 triệu đồng, đời sống gia đình trở nên khá giả.
Theo ông Ngô, nghề làm vườn đã cực, nuôi ong càng cực hơn. Người nuôi phải am hiểu tập tính của ong, biết rõ mùa nào hoa nở để di chuyển đàn ong đến chỗ có nguồn mật hoa dồi dào. Ngoài ra, muốn cho đàn ong phát triển mạnh, người nuôi phải nắm vững kĩ thuật tách đàn, tạo ong chúa, lấy mật, khai thác sữa ong chúa và phấn hoa, đặc biệt là xử lí kịp thời hiện tượng ong bốc bay hoặc bệnh thối ấu trùng.
Ông Ngô cho biết thêm: “Nghề nuôi ong rất dễ làm giàu vì mật ong có chất lượng lúc nào cũng hút hàng và giá luôn ở mức cao. Có khi tôi làm ra không đủ giao cho mối. Tuy nhiên, nghề này nhiều khi cũng gặp bất trắc, nhất là vào những tháng mưa liên tục do thiếu nguồn phấn hoa, đàn ong phát triển chậm. Sợ nhất là đàn ong bị nhiễm hóa chất do người làm vườn phun xịt lên cây. Muốn khắc phục tình trạng trên, đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm và luôn theo dõi sát sao từng giai đoạn, từ lúc chọn điểm đặt thùng ong cho đến lúc lấy mật và ong chúa tách đàn. Chỉ một chút bất cẩn là ong có thể bỏ đàn, vốn liếng tiêu tan”.
Được biết, mô hình nuôi ong mật và ong giống của gia đình ông Ngô đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng gần xa đến chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi nghề. Hiện sản phẩm mật ong của gia đình ông đã có mặt tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh. Trong các kì hội chợ của tỉnh, địa phương, ông Ngô thường đưa sản phẩm mật ong của gia đình đi quảng bá và bán. Sản phẩm mật ong của ông được du khách tin dùng và đánh giá cao.
Ông Nguyễn Công Quyền, Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Ba Chẽ, cho biết: “Ông Hoàng Văn Ngô là hội viên tiêu biểu của huyện. Với ý nghị lực, mạnh dạn đầu tư vào nuôi ong có hiệu quả. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn hỗ trợ và truyền đạt kinh nghiệm nuôi ong cho nhiều hội viên trong huyện để họ vươn lên làm giàu”.