Liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện trong phát triển du lịch
Sự kiện 16/11/2023 08:56
Trong đó, các đại biểu đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch; huy động, đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch; cách tổ chức, quản trị phát triển du lịch; sự phối hợp giữa các cấp, bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong phát triển du lịch... Đặc biệt, các đại biểu đề xuất giải pháp tăng cường liên kết vùng, ngành, hợp tác công tư nhằm xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia; cho biết, Đảng, Nhà nước xác định và có các nghị quyết nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung triển khai và bám sát thực tiễn, ban hành các văn bản, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như ban hành và triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030...
Ảnh minh họa |
Có thể thấy, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, người dân, sự hợp tác của bạn bè quốc tế, du lịch Việt Nam đang phục hồi và phát triển. Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỉ đồng, tăng 2,75 lần so với năm 2021. Trong 10 tháng năm 2023, du lịch là điểm sáng trong phục hồi và phát triển kinh tế, với 99 triệu lượt khách nội địa, 10 triệu khách quốc tế, vượt kế hoạch năm 2023 là 8 triệu khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỉ đồng.
Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Trong đó, lượng khách, doanh thu du lịch chưa đạt như mong muốn; liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lí, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực chưa thực chất, hiệu quả; hợp tác công - tư còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa thật sự đặc sắc, chưa đáp ứng cho phân khúc thị trường chất lượng cao; dịch vụ bổ sung, gia tăng giá trị cho khách du lịch chưa nhiều, chưa đa dạng, thiếu hấp dẫn; các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc riêng có chưa được phát huy tốt; công tác xúc tiến, quảng bá, quản lí du lịch chưa chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả…
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho biết, định hướng phát triển xuyên suốt của Du lịch Việt Nam đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Do đó, các cấp, ngành, địa phương và hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82 của Chính phủ với phương châm “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”.
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng Quy hoạch hệ thống du lịch thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi kết nối đường bay trực tiếp từ các thị trường du lịch truyền thống, trọng điểm đến Việt Nam; hoạch định chính sách, điều hành, chỉ đạo đổi mới tư tuy về quản lí và phát triển du lịch.
Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường, bảo đảm khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, truyền thống và từng bước mở rộng các thị trường mới tiềm năng; thúc đẩy cơ cấu lại thị trường, sản phẩm du lịch phù hợp với lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng mô hình, phương thức xúc tiến du lịch có tính chất đột phá với tầm nhìn dài hạn, huy động hiệu quả sự tham gia của doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá Du lịch Việt Nam trên nhiều nền tảng…