Làm giàu nhờ nuôi cá đạt tiêu chuẩn VietGAP
Tin tức 09/06/2023 08:40
Anh Nguyễn Văn Thoan đang giới thiệu về kỹ thuật chăn nuôi cá công nghệ cao |
Cạnh đó, còn góp phần cải thiện môi trường cũng như làm cho người nông dân thay đổi tư duy về nuôi trồng thủy sản, từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và phát triển bền vững.
Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Văn Thoan, ở khu 3, Thủy Trạm, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy đã chuyển đổi từ nuôi cá truyền thống sang nuôi cá công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP trở nên giàu có, xây dựng được nhà cửa khang trang.
Mô hình nuôi cá VietGAP của gia đình anh Thoan có tổng diện tích hơn 10ha, được đầu tư xây dựng bờ kè, hệ thống cho ăn tự động lên tới hàng tỷ đồng… Đến nay, chủ yếu thả các loại như: Cá trôi, trắm, chép, cá chim… bình quân hàng năm xuất bán ra thị trường khoảng 40 -50 tấn cá thương phẩm với giá bán từ 35 -45 nghìn đồng/1kg. Trừ chi phí mỗi năm vợ chồng anh bỏ túi hơn 500 triệu.
Anh Thoan cho biết: Đầu năm 2004 nhận thấy nghề nuôi trồng thủy sản cũng mang lại hiệu quả kinh tế, nên anh bàn với vợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội về chuyển đổi từ chỗ cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao thả các loại cá chép, trắm cỏ, rô phi đơn tính phát triển kinh tế gia đình…
Theo anh Thoan: Ban đầu mới chuyển sang nghề nuôi cá, vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc nên số lượng cá trong ao của tôi còi cọc rất nhiều, có thời điểm còn bị chết hàng loạt. Tuy nhiên, không khuất phục trước khó khăn, thách thức, tôi lại đi vay tiền anh em họ hàng tiếp tục mua con giống về nuôi.
Anh Thoan cho biết: “Sau khi được đi tham quan, học hỏi một số mô hình ở các tỉnh lân cận, gia đình anh đã chủ động chuyển đổi từ hình thức nuôi quảng canh, sang nuôi cá công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP với nhiều loại giống cho năng xuất cao như: Cá chép, trôi, trắm, chim… Đất không phụ công người, chỉ sau 1 thời gian ngắn, tôi thấy đàn cá sinh trưởng, phát triển rất tốt chi phí đầu tư thấp, nên tôi tìm cách mở rộng diện tích ao từ 5 – 10ha để nuôi, nâng cao nguồn thu nhập. Với những ưu điểm vượt trội khi nuôi cá công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP như giảm chi phí thức ăn, giảm dịch bệnh, cá tăng trưởng nhanh hơn, bảo vệ môi trường nước… Đặc biệt, nuôi cá áp dụng công nghệ vi sinh đang mở ra nhiều triển vọng để phát triển nghề nuôi thủy sản theo chiều sâu.
Đồng thời, để tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi cá VietGAP, tôi còn cẩn thận ghi chép đầy đủ quá trình nuôi cá từ vào giống đến chăm sóc, thu hoạch… Việc cho ăn đầy đủ và sử dụng hệ thống tạo oxy giúp cá trong ao khỏe mạnh, tốc độ lớn nhanh, ít bệnh hơn. Hàng tháng tôi lấy mẫu nước ao đưa đi phân tích, để có biện pháp điều chỉnh xử lý cho phù hợp… Ngoài việc vệ sinh ao nuôi và xử lý nước thải đảm bảo sạch trước khi xả ra môi trường, tôi còn thả bèo tây trên diện tích nhất định để những chất thải chưa được lọc hết sẽ được xử lý triệt để”.
Nhờ nuôi cá công nghệ cao gia đình anh Thoan cho thu lãi nửa tỷ/năm |
Để phòng bệnh cho cá, đều đặn mỗi tháng từ 4 - 6 lần, anh Thoan dùng các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi, làm sạch nguồn nước và chuyển hoá các chất thải, thức ăn thừa thành phù du có lợi cho cá. Bên cạnh đó, tôi còn thường xuyên bổ sung các loại vitamin, tỏi trộn lẫn với thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
“Thay vì nuôi cá theo phương pháp truyền thống và sử dụng thức ăn công nghiệp, hiện nay, nhiều hộ ở các vùng nuôi cá trọng điểm của huyện Thanh Thủy bắt đầu chuyển sang nuôi cá bằng chế phẩm vi sinh… Mô hình này bước đầu cho thấy lợi ích kép, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa cải thiện môi trường ao nuôi”, anh Thoan cho biết thêm.
Ông Nguyễn Trọng Luyện, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Thủy cho biết, mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Nguyễn Văn Thoan mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống. Đây là mô hình rất phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao của huyện nên rất cần nhân rộng để nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp người nông dân làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.