Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Ghi nhận và trân trọng đóng góp của những người lao động nơi tuyến đầu của ngành năng lượng quốc gia

Sự kiện 07/11/2023 11:08
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trả lời chất vấn và phản biện về các vấn đề liên quan đến cao tốc, các vướng mắc của Luật PPP, dự án BOT, xã hội hóa hàng không, kết nối đường sắt, nạo vét luồng Định An và tai nạn giao thông…
![]() |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, quan điểm của Bộ về phân kỳ đầu tư với các dự án đường cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục, trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2021-2026, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trong nhiệm kỳ này, hiện đã dành trên 375 ngàn tỷ để triển khai xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu là xây đường cao tốc. Tuy nhiên, việc xây dựng đó mới chỉ đạt hơn 70% nhu cầu. Do đó, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi.
Theo Bộ trường, nhiều nước phát triển, như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều phải thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các tuyến đường cao tốc. Chính vì thế, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước, Bộ đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo những nguyên tắc để đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng cũng tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi có nguồn lực để nâng cấp.
![]() |
Đại biểu Trần Văn Tiến tranh luận và chất vấn về việc đầu tư tuyến đường cao tốc mà không có làn xe khẩn cấp thì có phù hợp với tiêu chuẩn hay không. |
Bộ trưởng nêu rõ, cần ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh đối với các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Nhiều đoạn tuyến đã đầu tư hoàn chỉnh, như: Hà Nội – Hải Phòng, Bến Lức – Long Thành, Phan Thiết – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu. Nguyên tắc thứ hai là đối với các tuyến nhu cầu vận tải chưa cao, thì thực hiện phân kỳ đầu tư. Chỉ phân kỳ đầu tư về bề rộng mặt cắt, còn các yếu tố kỹ thuật để nâng cấp đều phải đảm bảo. Cần thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch.
Với những nguyên tắc trên, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư để tham mưu báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung danh mục, nguồn vốn tăng thu ngân sách 2022 để mở rộng hai tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành địa phương, đề xuất hoàn thiện các đoạn tuyến cao tốc còn lại theo quy hoạch, ưu tiên các tuyến mới có 2 làn xe, có lưu lượng lớn để đảm bảo cả nước có hệ thống đường cao tốc đồng bộ, hiện đại.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về phân cấp, phân quyền đấu nối các công trình thiết yếu trên các tuyến quốc lộ, Bộ trưởng cho biết, năm 2021, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 117 về phân cấp, phân quyền liên quan đến quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó Chính phủ đồng ý giao UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt các điểm đấu nối vào Quốc lộ. Trước khi quyết định, địa phương phải có quy hoạch, trong quy hoạch tỉnh phải có quy hoạch đấu nối. Địa phương cũng phải có trao đổi với Bộ Giao thông vận tải về yêu cầu, tiêu chí kỹ thuật đảm bảo an toàn cho việc đấu nối trước khi quyết định. Các địa phương trong triển khai có gì vướng mắc thì cần liên hệ, làm việc với Bộ Giao thông vận tải.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng trả lời các nội dung chất vấn liên quan đến xã hội hóa các cảng hàng không, giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chất vấn về giải pháp thu hút nguồn lực đối với các dự án PPP. |
Trả lời đại biểu Nguyễn Tạo về vấn đề thu hút các dự án PPP, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, từ khi có Luật PPP được ban hành thì việc thu hút các dự án chưa được nhiều, chưa hiệu quả. Thời gian gần đây, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ ngành địa phương để kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Lý do các dự án PPP chưa thu hút doanh nghiệp, về khách quan, do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó. Mặt khác, đầu tư trong lĩnh vực giao thông lợi nhuận không cao nhưng lại có nhiều rủi ro.
Liên quan đến hiệu quả của dự án, nhà đầu tư thu hồi vốn trên lưu lượng xe, các dự án lưu lượng phân bổ không đồng đều nên có những bất lợi cho nhà đầu tư. Cùng với đó, phần vốn nhà nước hỗ trợ tối đa 50%, trong khi chi phí cho giải phóng mặt bằng nên vốn thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa nhiều. Ngoài ra, còn một số vấn đề về cơ chế nên hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, vấn đề lớn và quan ngại là giải phóng mặt bằng, các dự án PPP thường tách giải phóng mặt bằng làm trước và doanh nghiệp chủ yếu triển khai dự án. Nhận diện được các khó khăn này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ tham mưu Chính phủ để trình điều chỉnh cơ chế chính sách, thu hút nhà đầu tư. Với tinh thần đó, ngay tại kì họp này, Chính phủ trình Quốc hội có những tháo gỡ cho các dự án đầu tư giao thông đường bộ như nâng tỉ lệ vốn Nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ chất vấn về giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện thông luồng Định An - Sông Hậu. |
Trả lời đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng về luồng Định An, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện có vướng mắc về tiêu chuẩn quy chuẩn để nạo vét sâu hơn, bảo đảm cho tàu có trọng tải từ 10 nghìn tấn trở lên có thể vào được, hiện chưa có cơ sở khoa học. Vừa qua, khi mời gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải đã có làm việc với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ và cho rằng, tỉnh cần nghiên cứu về mặt khoa học và bảo đảm tính thuyết phục, phân định trách nhiệm những nội dung nào Bộ Giao thông vận tải cần phải làm. Điều quan trọng nhất là điều chỉnh Nghị định 159 để TP Cần Thơ có đủ cơ sở pháp lý triển khai dự án. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ sửa đổi. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định, hiện Bộ phối hợp chặt chẽ với TP Cần Thơ để tháo gỡ khó khăn.
Trả lời đại biểu Trần Văn Tiến về tiêu chuẩn đường cao tốc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định, đối với tiêu chuẩn của Việt Nam hiện đang phù hợp; đối với quy chuẩn hiện cũng đang xây dựng. Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải xây dựng quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành quy chuẩn này trong quý 1/2024.
![]() |
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng về tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan. |
Trả lời đại biểu Hoàng Đức Thắng về tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Cam Lộ - La Sơn là dự án đầu tư công, có đoạn 4 lan xe, có đoạn 2 làn xe; đoạn La Sơn – Túy Loan triển khai theo hình thức BT có 2 làn xe. Quan điểm từ nhiệm kì này là cố gắng giải phóng 1 lần, còn đầu tư có thể hoàn chỉnh hoặc phân kì. Cả 2 đoạn tuyến này đều đã giải phóng mặt bằng xong. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, thời gian tới sẽ có tham mưu đề xuất mở rộng 2 tuyến này.