Khai thác tiềm năng và lợi thế, Thái Bình đẩy nhanh tốc độ xây dựng Khu kinh tế trọng điểm ven biển
Kinh tế 31/12/2022 09:47
PV: Thưa ông! Được biết năm 2022, Thái Bình là một trong những tỉnh, thành chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời dịch Covid-19, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. Xin ông cho biết những kết quả trên?
Ông Nguyễn Khắc Thận: Phải nói rằng, bước vào thực hiện các nhiệm vụ năm 2022, trong bối cảnh chung của thế giới và đất nước, Thái Bình cũng là tỉnh chịu ảnh hưởng do hậu quả của đại dịch Covid-19 và những bất ổn chiến sự tại Ukraine. Mặc dù là tỉnh dân số đông, mật độ dân số cao nhưng do chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, Thái Bình đã khống chế lây lan bệnh dịch ở mức thấp nhất, là tiền đề triển khai mạnh mẽ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. |
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường, biến động giá cả trên thị trường,… cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, Thái Bình tiếp tục giữ vững ổn định an ninh chính trị - xã hội, hoàn thành và hoàn thành vượt 21/23 chỉ tiêu đề ra. Nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,52% so với cùng kì năm 2021. Đứng thứ 6/11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước. Kinh tế của tỉnh có sự phục hồi rõ nét, phát triển toàn diện, vững chắc và đúng hướng, đồng đều ở cả 3 lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, là năm thứ 2 liên tiếp thuộc tốp đầu cả nước. Tổng thu ngân sách đạt 147,5% dự toán được giao, tăng 18,4% so với cùng kì. Các dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng và kết nối trong nội bộ tỉnh được đầu tư và triển khai đồng bộ, như: Dự án tuyến đường bộ ven biển, đường trục Khu kinh tế (KKT), đường vành đai phía Nam TP Thái Bình, đường từ TP Thái Bình đi Hải Phòng... Hoạt động xúc tiến đầu tư được đổi mới và đẩy mạnh. Tổng số vốn đầu tư đăng kí khoảng 31.000 tỉ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2021; trong đó vốn FDI đạt trên 600 triệu USD. Đó là những kết quả quan trọng, là cơ sở và nền tảng để Thái Bình vững vàng tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023!
PV: Khu kinh tế biển thuộc 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy có quy mô gần 31.000 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là mục tiêu trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ 20. Bằng nỗ lực quyết liệt, năm 2022, Thái Bình đã triển khai đồng bộ xây dựng hạ tầng cơ sở, thu hút đầu tư với nhiều tín hiệu đáng mừng. Xin ông cho biết những kết quả bước đầu?
Ông Nguyễn Khắc Thận: Ngay từ nhiệm kì trước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX khởi xướng, xác định xây dựng KKT ven biển thuộc 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy là mục tiêu chiến lược, tạo đà bứt phá sớm đưa Thái Bình trở thành tỉnh công - nông nghiệp. Kế thừa định hướng đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kì 2021 - 2025, đã xác định xây dựng phát triển KKT ven biển nêu trên là nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống chính trị. Chính vì thế, trên cơ sở quy hoạch tổng thể KKT ven biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Bình đã triển khai một loạt biện pháp quyết liệt. Đồng thời chọn Khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái thuộc huyện Thái Thụy làm điểm đột phá, mở đầu triển khai xây dựng KKT ven biển. Điều đáng mừng được sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân, đến nay KCN Liên Hà Thái đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng gần 600 ha, cơ bản hoàn thiện hạ tầng, tiếp nhận 8 doanh nghiệp Tập đoàn lớn nước ngoài vào đầu tư trên 1,2 tỉ USD.
Song hành tập trung chỉ đạo điểm đột phá KCN Liên Hà Thái, Thái Bình tiếp tục quan tâm xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư đầu tư vào KCN Tiền Hải thuộc KKT, đồng thời đề xuất thành lập KCN Hải Long và được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho thành lập; tiếp tục hoàn thiện đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung và triển khai lập quy hoạch các khu chức năng trong KKT. Đồng thời, khẩn trương xây dựng hoàn thành hạ tầng kĩ thuật kết nối Khu kinh tế với các vùng lân cận. Đặc biệt là tuyến đường kết nối với TP Hải Phòng và các tỉnh bạn, các tuyến đường trục trong KKT…
PV: Giải pháp nào để KKT ven biển sớm trở thành hiện thực, tạo tiền đề và động lực để Thái Bình trở thành tỉnh công - nông nghiệp, thưa ông?
Ông Nguyễn Khắc Thận: Ngay từ đầu nhiệm kì Đại hội lần thứ XX, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là xây dựng, phát triển KKT Thái Bình toàn diện về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Từ đó tạo sức lan tỏa, góp phần nâng cao đời sống người dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hiện đại. Bằng những nhóm giải pháp cụ thể như sau:
Một là: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của Nhân dân về chủ trương xây dựng phát triển KKT, KCN là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hai là: Khẩn trương hoàn thành điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng KKT, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Quản lí KKT và các KCN tỉnh trong việc quản lí quy hoạch, lập thẩm định quy hoạch các khu chức năng trong KKT.
Ba là: Tập trung đầu tư sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối: Chú trọng xây dựng hệ thống đường trục chính kết nối với các khu chức năng, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong KKT. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng và các trục giao thông huyết mạch trong tỉnh, như: Dự án tuyến đường bộ ven biển, đường trục KKT, đường từ TP Thái Bình đi Hải Phòng... Đẩy nhanh khuyến khích phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trong các KCN, KKT. Ứng dụng triệt để khoa học công nghệ để hoàn thiện Quy hoạch phân khu trong KKT. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng của các dự án đã được chấp thuận đầu tư để sớm đi vào hoạt động đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Bốn là: Quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch đủ lớn, hạ tầng tốt, nguồn nhân lực chất lượng để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư lớn, tầm cỡ.
Năm là: Về thu hút đầu tư: Tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Tháo gỡ thực chất các điểm nghẽn, nút thắt trong thủ tục đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua các cuộc đối thoại, hội nghị trao đổi. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp; qua trang thông tin điện tử Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao chỉ số PCI…
Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá về lợi thế, tiềm năng, sức hấp dẫn của tỉnh đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Thời gian tới, Thái Bình sẽ tiếp tục kết nối và gặp mặt trao đổi về cơ hội hợp tác đầu tư với các Tập đoàn lớn. Tổ chức sự kiện kết nối đầu tư giữa Thái Bình và nước ngoài. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Trung tâm hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, có Văn phòng đại diện tại Hàn Quốc,...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!