Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về Ukraine
Bình luận 23/02/2022 18:00
Quang cảnh phiên họp. |
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Rosemary DiCarlo bày tỏ lấy làm tiếc về việc Nga triển khai quân đội tại miền Đông Ukraine; đồng thời kêu gọi các bên ngăn ngừa xung đột bằng mọi giá.
Đại sứ Linda Thomas-Greenfield, Trưởng phái đoàn thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc, đã chỉ trích động thái của Nga. Trước thềm cuộc họp, bà Thomas-Greenfield ra thông cáo nhấn mạnh, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần yêu cầu Moskva tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, một quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Đại diện Trung Quốc tại Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hướng tới các nỗ lực ngoại giao và tránh các hành động làm leo thang căng thẳng. Trong khi đó, một số giới ngoại giao tại Liên hợp quốc cho rằng, động thái của Nga đã "vi phạm luật pháp quốc tế" và đặt dấu chấm hết cho kế hoạch mang lại hòa bình cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Cộng đồng quốc tế hy vọng các bên liên quan sẽ kiềm chế tối đa, tìm giải pháp thông qua con đường ngoại giao, không để chiến tranh xảy ra.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc cho rằng, các cường quốc phương Tây cần "suy nghĩ thấu đáo" và không làm nghiêm trọng hóa tình hình. Ông khẳng định, Moskva luôn sẵn sàng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng hiện nay. Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc nêu rõ, biên giới của quốc gia này không thay đổi, bất kể Nga có hành động gì.
Trong một tuyên bố sáng 22/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhấn mạnh, nước này sẽ không có bất cứ nhượng bộ nào về lãnh thổ; khẳng định, Ukraine vẫn cam kết tiến hành các nỗ lực hòa bình và ngoại giao. Ông cho biết, Kiev đang mong đợi những bước đi "rõ ràng và hiệu quả" từ các nước đồng minh liên quan quyết định của Nga và kêu gọi tiến hành một cuộc họp khẩn giữa các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Đức và Pháp.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh triển khai quân đội đến hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine, sau khi tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng này. Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin đã chỉ thị Bộ Quốc phòng Nga điều binh sĩ tới hai khu vực trên "làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình".
Hãng tin Sputnik dẫn dự thảo thỏa thuận giữa Moskva và hai nước cộng hòa tự xưng do Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga thông báo ngày 22/2, trong đó nêu rõ lực lượng Nga sẽ cùng tham gia bảo vệ cuộc sống của người dân ở khu vực biên giới của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk, vì lợi ích an ninh, hòa bình và ổn định của cả ba bên. Đây là một trong số các thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau có thời hạn 10 năm, trong đó các bên tôn trọng chủ quyền và không xâm phạm lẫn nhau.
Phản ứng trước diễn biến mới liên quan Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ký một sắc lệnh hành pháp, theo đó cấm doanh nghiệp và người dân Mỹ làm ăn kinh doanh tại hai nước cộng hòa tự xưng mà Nga vừa công nhận. Nhà Trắng cho biết, Washington sẽ tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moskva và đang phối hợp với các đồng minh về việc này.
Văn phòng Tổng thống Pháp cũng ra tuyên bố kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thông qua nghị quyết về việc áp đặt trừng phạt đối với Nga. Thủ tướng Hà Lan cho biết, EU có thể ban hành nghị quyết này trong một hai ngày tới, cảnh báo sẽ là "gói trừng phạt quy mô lớn". Các nước Đức, Anh, Gruzia, Romania, Áo, Moldova phản đối quyết định của Nga. Đức cho rằng, bước đi của Nga đã làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao và xâm phạm chủ quyền của Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Anh cũng đánh giá quyết định của Nga đã "xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về quyết định của Nga, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine phù hợp thỏa thuận Minsk ký năm 2015 được Nghị quyết 2202 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ.
Góp phần vào việc nâng cao vai trò, vị thế của hệ thống cơ quan dân cử tại địa phương Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng ... |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động; cho ý kiến về công tác dân nguyện Sáng 15/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang ... |