Giải pháp cho dòng Tô trở lại xanh trong
Xã hội 22/04/2024 09:15
Theo sử cũ ghi chép thì “Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm”...
Khoảng 50 năm lại đây, dòng sông Tô Lịch còn chừng 15km. Điểm khởi nguồn dòng sông bắt đầu từ phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ), xuyên qua chợ Bưởi, nối điểm đầu đường Hoàng Quốc Việt rồi chảy dọc theo tuyến ven đường Bưởi, Láng… cuối cùng ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Đoạn “thượng nguồn” từ gần dốc La Pho đến chợ Bưởi hiện đang cống hóa đã trở thành đoạn cống ngầm, phía trên là đường giao thông. Tại đây còn có đoạn cống ngầm nối thông để tiêu thoát nước cho hồ Tây khi nước mưa dâng đầy. Vì vậy, nay sông Tô Lịch nhìn thấy chỉ còn điểm khởi đầu từ đầu đường Hoàng Quốc Việt trở xuống. Ước tính mỗi ngày sông phải tiếp nhận hơn 150.000m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ hơn 300 cống xả thải lớn nhỏ của khu vực nội đô.
Thi công cống gom nước thải từ sông Tô Lịch. |
Mọi dòng sông đều có nước thượng nguồn để tạo dòng chảy, riêng Tô Lịch từ khi “ngắt kết nối” với nguồn từ sông Hồng thì con sông chỉ như một con hồ kéo dài. Tiếp nhận hầu hết nước thải chưa qua xử lí khiến tình trạng ô nhiễm dòng sông này ngày càng trầm trọng, trở thành con kênh tù đọng nước thải bốc mùi hôi thối quanh năm, đặc biệt là vào mùa Hè.
Để khắc phục tình trạng trên, kể từ đầu năm 2000 đến nay, sông Tô Lịch trải qua nhiều phương pháp thử nghiệm làm sạch của các tổ chức quốc tế và trong nước. Với mỗi biện pháp đưa ra, Hà Nội luôn đặt kì vọng hồi sinh thanh sạch dòng sông này.
Đã có một số giải pháp của chính quyền TP Hà Nội nhằm đưa dòng sông thơ mộng này trở lại xanh mát một thời. Đó là đề xuất dùng trạm bơm công suất lớn đưa nước sông Hồng vào hồ Tây rồi chảy ra sông Tô Lịch. Nước luân chuyển thường xuyên sẽ pha loãng ô nhiễm và chuyển nước thải về hạ nguồn. Song giải pháp này lại có nguy cơ làm biến đổi hệ sinh thái hồ Tây, phù sa bồi lấp dần lòng hồ. Mặt khác nếu nước ô nhiễm đưa về cuối nguồn thì vẫn gây ô nhiễm các sông lớn khác trong khi đây đang là nguồn nước sinh hoạt và canh tác nông nghiệp một vùng châu thổ rộng lớn của Bắc Bộ. Chính vì vậy giải pháp này không được các chuyên gia kinh tế, môi trường đồng tình. Giải pháp xử lí bằng chế phẩm hóa học nhập ngoại Redoxy-3C khử ô nhiễm nước; giải pháp thử nghiệm của chuyên gia Nhật Bản nhằm phân hủy bùn cũng đã được thực hiện một thời gian. Tuy nhiên, hai giải pháp mang tính thử nghiệm trên vẫn dừng ở bước thử nghiệm, chưa được nhân rộng. Phải chăng do hiệu quả kinh tế và sự đáp ứng thực tiễn khó khăn nên các giải pháp này tạm dừng? Có thể thấy các giải pháp xử lí ô nhiễm đồng thời cả một dòng sông là khó khả thi.
Một quy luật mà ai cũng biết đó là chất thải không thể tự dưng mất đi, nó phải được xử lí tập trung bảo đảm tiêu chuẩn rồi trả lại vào tự nhiên. Các giải pháp xử lí kể trên đều theo phương pháp biến cả dòng sông thành “nhà máy xử lí chất thải”. “Nhà máy” đó sẽ phải hoạt động thường xuyên liên tục vì hằng ngày hằng giờ tiếp nhận nước thải sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân cùng các hoạt động sản xuất, kinh doanh... Sẽ chẳng bao giờ có được một dòng sông xanh mát khi mà nước vừa được xử lí lại có hàng nghìn tấn nước thải khác liên tục bổ sung.
Có lẽ Hà Nội cần tính đến giải pháp công trình mang tính nền tảng cho câu chuyện phục hồi sông Tô Lịch. Theo đó cần tận dụng phần đất đai còn lại hai bên dòng sông để thiết kế, xây dựng hệ thống thu gom toàn bộ nước thải riêng, không cho đổ vào sông Tô Lịch. Lúc này chỉ cho phép hệ thống nước mưa bề mặt đường phố đổ xuống để thoát nước cho các khu vực hai bên sông. Hệ thống thu gom có thể xây ngầm như đoạn sông cũ tại phường Thụy Khuê, phường Bưởi, nước thải sẽ chuyển về khu xử lí Yên Xá để xử lí tập trung.
Được biết, dự án xây dựng Nhà máy xử lí nước thải Yên Xá trên địa bàn huyện Thanh Trì có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản đang được triển khai tích cực để hoàn thành vào năm 2025. Hiện tỉ lệ nước thải được thu gom xử lí của Hà Nội mới đạt 29,1% và thành phố đang phấn đấu đến năm 2025 thu gom xử lí đạt từ 50-55%. Nếu toàn bộ nước thải sông Tô Lịch được thu gom về đây để xử lí thì dòng sông sẽ sớm trở lại viễn cảnh xanh trong như kì vọng.
Sẽ cần một nguồn ngân sách không nhỏ nếu thực hiện giải pháp xây dựng công trình thu gom nước thải hai bên sông Tô Lịch. Tuy nhiên nó sẽ là giải pháp kinh tế vượt trội so với các giải pháp loay hoay xử lí đồng thời với tiếp nhận ô nhiễm từng thử nghiệm.
TP Hồ Chí Minh có rất nhiều con kênh dài và từng ô nhiễm hơn cả sông Tô Lịch, song với quyết tâm chính trị cao và dành nguồn đầu tư đủ lớn nên nhiều con kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương… được cải tạo cơ bản, nay đã trở lại trong mát.
Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, không thể mãi chịu cảnh một dòng sông thơ mộng xưa nay lại đang là một dòng sông chết!.