Để doanh nhân đồng hành cùng dân tộc
Kinh tế 10/10/2019 16:07
Tham dự có Lãnh đạo Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia, nhà quản lí, nhà kinh tế, nhà văn và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, phóng viên các cơ quan báo chí, truyền hình.
Ông Nguyễn Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phát biểu |
Phát biểu đề dẫn tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện có những tên tuổi mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, phát triển lĩnh vực công nghệ cao, cạnh tranh lớn. Sau quyết định của Chính phủ, ngày 13/10/2004 được coi là ngày khai sinh ra giới doanh nhân Việt. Vị thế của doanh nhân được xác định và khuôn khổ pháp lí dành cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp dần được hoàn thiện. Với hơn 700.000 doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh, doanh nhân đã tiên phong đóng góp xóa nghèo, đồng hành cùng Chính phủ trong xây dựng nền kinh tế.
Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu đề dẫn |
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Nhà đầu tư: Vai trò của doanh nhân đã khá rõ. Nghị quyết 10 xác định phát triển kinh tế tư nhân thành động lực của đất nước, vai trò của kinh tế tư nhân do doanh nhân tạo ra. Song, làm thế nào để doanh nhân trở thành động lực thì còn vô vàn khó khăn bởi thực tế vẫn còn phân biệt đối xử. Đặc biệt là các yếu tố pháp lí để xây dựng môi trường pháp lí minh bạch, công bằng trong việc tiếp cận các nguồn lực đất đai, vốn, thị trường… cho doanh nghiệp.
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái “phác họa” doanh nhân là người biết làm giàu cho mình nhưng cũng cần làm giàu cho đất nước. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu hiện nay là khâu liên kết hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nhân dường như chưa được hiệu quả.
Toàn cảnh Buổi tọa đàm |
Nhà văn Tạ Duy Anh thì cho rằng, cần đề xuất để đưa ra những chính sách cởi mở hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Xóa bỏ tâm lí kì thị người giàu, thương gia và có tầm nhìn rộng rãi hơn về những người làm doanh nghiệp, kinh doanh. Doanh nhân sai phạm sẽ bị xử lí nghiêm khắc nhưng phải có định hướng, tạo cơ hội cho doanh nhân, doanh nghiệp chân chính phát triển. Với chính sách hiện nay, doanh nghiệp tư nhân chưa đủ không gian phát triển. Đơn cử, lãi suất cho vay 10% thì doanh nghiệp tư nhân khó sống, trong khi ở Nhật mức này chỉ 2 - 3%. Không thể tách doanh nghiệp tư nhân ra khỏi khu vực kinh tế, mà phải xem đó là động lực, chủ lực của nền kinh tế.
Cùng quan điểm này, PGS. TSKH Võ Đại Lược, dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Doanh nghiệp tư nhân làm tốt thì phải phong danh hiệu Anh hùng cho họ”.
Từ góc độ doanh nhân, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ: Doanh nhân cũng là một nghề, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước. Làm doanh nhân cần nhìn thấy 3 lợi ích: Lợi ích cho xã hội đất nước; lợi ích cho những người đồng hành, nhân viên. Cuối cùng mới đến lợi ích cho bản thân. Sự đóng góp ở đây không hẳn là thuế hay làm từ thiện, mà là làm gì cũng phải nghĩ xã hội, đất nước được gì.
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ: "Hôm nay chúng ta nói về doanh nhân nhưng không chỉ là doanh nhân mà còn là số phận, vận mệnh của dân tộc, đất nước. Ở bất cứ quốc gia nào, thể chế chính trị nào, việc tạo lập cuộc sống ổn định, hạnh phúc cho người dân cũng là quan trọng nhất. Dân không giàu thì đất nước không thể mạnh, mà không mạnh thì không thể tự chủ được. Trong cuộc chiến vệ quốc thì nhân vật trung tâm là bộ đội Cụ Hồ. Trong sự kiện thoát nghèo thì nhân vật trung tâm là doanh nhân. Có thể nói, doanh nhân Việt Nam hiện góp phần quan trọng trong tạo việc làm và nguồn thu ngân sách thường xuyên cho đất nước”.