Cốc Cốc đưa giải pháp nhằm bảo vệ người dùng khỏi chính sách chặn truy cập trên website
Doanh nghiệp - Doanh nhân 29/08/2021 15:06
Tác nhân người dùng - User agent (viết tắt: UA) - là một chuỗi văn bản giúp định danh trình duyệt khi kết nối tới các trang web. Các trình duyệt khác nhau sẽ có chuỗi UA riêng biệt khác nhau. Hiểu đơn giản hơn, chuỗi UA sẽ giúp xác định được người dùng đang truy cập bằng trình duyệt nào, hệ điều hành gì và thậm chí là cả loại thiết bị (di động, máy tính hay máy tính bảng) mà họ đang sử dụng chỉ nhờ quá trình duyệt web thông thường.
Chuỗi UA ngày càng trở nên phổ biến nhờ khả năng giúp các trang web tinh chỉnh hiệu suất, tính năng; tránh bị lỗi (bugs) khi duyệt web hoặc loại bỏ những trình duyệt lỗi thời. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, hiện một số đơn vị đã lợi dụng các chuỗi UA để chặn người dùng truy cập vào nhiều trang web, dịch vụ trên internet.
Trao đổi với PV Ngày mới Online, đại diện truyền thông Công ty TNHH Cốc Cốc cho biết, thời gian vừa qua, thông qua các chuỗi UA, Google đã liên tục chặn Cốc Cốc trong một số dịch vụ của họ. Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến chính là hồi tháng 5/2021, người dùng Cốc Cốc không thể đăng nhập bằng tài khoản của Google như Gmail để đồng bộ trên trình duyệt. Đây là một động thái cạnh tranh không công bằng giữa các đối thủ trong cùng một thị trường - trình duyệt và công cụ tìm kiếm.
Đây cũng là tình trạng xảy ra ở một số trang web khác, khi người dùng Cốc Cốc truy cập những trang web này, sẽ có hiển thị cảnh báo với nội dung “hãy thay đổi trình duyệt của bạn sang Chrome” hoặc “vui lòng cập nhật trình duyệt của bạn”.
Google sử dụng sản phẩm của họ để đề xuất người dùng chuyển sang Google Chrome. |
Vì lẽ đó, Cốc Cốc cho rằng, hành vi “chơi xấu” này của Google không chỉ làm triệt tiêu tự do số, tăng cường thế độc quyền cho Google trên thị trường mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến Cốc Cốc, khiến hoạt động của những tính năng này trên Cốc Cốc không ổn định, gây ra gián đoạn và phiền nhiễu cho người dùng thông qua quá trình sử dụng.
Trình duyệt Cốc Cốc được xây dựng và phát triển trên mã nguồn Chromium tương tự như Google Chrome, Microsoft Edge, Opera Browser, ... Không những thế, Cốc Cốc còn phát triển thêm nhiều bộ tính năng dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dùng và thường xuyên được cập nhật trong các phiên bản. Vì vậy, những lệnh cấm truy cập nêu trên đối với người dùng Cốc Cốc là hoàn toàn không có lý do chính đáng.
Điều này cũng buộc Cốc Cốc phải chuyển thông tin chuỗi UA của mình sang sử dụng của Google Chrome. Việc chuẩn bị và triển khai chuyển đổi UA đã được Cốc Cốc thực hiện từ nhiều tháng trước và hoàn thành vào cuối tháng 8/2021.
Đánh giá về tác động của việc chuyển chuỗi UA đối với người dùng, đội ngũ Cốc Cốc cho biết, việc thay đổi chuỗi UA chỉ liên quan đến mặt kỹ thuật. Cốc Cốc đã triển khai thử nghiệm việc chuyển đổi này trong thời gian dài. Kết quả cho thấy người dùng sẽ không bị ảnh hưởng. Thậm chí, họ còn được lợi do không bị chặn bởi các trang web, dịch vụ của Google nữa.
Ông Nguyễn Vũ Anh - Phó Tổng Giám đốc của Cốc Cốc cho biết, công ty chấp nhận bỏ đặc điểm nhận dạng của trình duyệt Cốc Cốc, phải chuyển sang sử dụng tác nhân người dùng của Google để bảo vệ người dùng. |
Nhận xét về điều này, ông Nguyễn Vũ Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cốc Cốc cho biết: “Cốc Cốc là một trong số ít những đối thủ tại thị trường nội địa của Google. Trên thế giới chỉ có khoảng 10 công cụ tìm kiếm và trình duyệt nội địa có khả năng cạnh tranh với “ông lớn” này. Có thể chính vì vậy mà Cốc Cốc luôn gặp những khó khăn trong việc phát triển người dùng khi đối thủ của mình tận dụng lợi thế độc quyền vô cùng lớn của họ. Điển hình là việc sử dụng UA để chặn Cốc Cốc khỏi một số dịch vụ của Google như thời gian gần đây. Đây chắc chắn là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng, đội ngũ Cốc Cốc nhất trí đặt trải nghiệm của người dùng và tính ổn định cho sản phẩm lên trên nhất. Do đó, chúng tôi chấp nhận bỏ đi đặc điểm nhận dạng của mình - chính là thông tin về UA, chấp nhận khả năng sụt giảm trong một số công cụ thống kê và chuyển sang sử dụng chuỗi UA của Google Chrome."
Được biết, Cốc Cốc không phải là đơn vị đầu tiên phải chuyển các tác nhân người dùng sang Google Chrome để có quyền truy cập vào các trang web khác nhau. Trước đó, trình duyệt Brave hay Vivaldi cũng đã có những động thái tương tự sau khi bị “chơi xấu” trong một thời gian dài.
Dù không có ảnh hưởng đối với người dùng song ở chiều ngược lại, về phía Cốc Cốc, việc thay đổi các chuỗi UA được dự báo sẽ làm sụt giảm số liệu thống kê về người dùng, thị phần, ở các đơn vị thống kê... trong khi những con số này trên thực tế lại không hề giảm.
Nguyên nhân là bởi hiện nay, một số đơn vị thống kê như Statcounter đều sử dụng chuỗi UA để định danh, tổng hợp số liệu người dùng cho các trình duyệt. Khi sử dụng chung mã UA, các đơn vị trên sẽ không thể phân biệt giữa người dùng Cốc Cốc và người dùng Google.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cốc Cốc cho hay, Cốc Cốc sẽ nỗ lực làm việc với các đơn vị thống kê, cung cấp những số liệu tổng hợp nội bộ về thị phần, người dùng một cách khách quan mà không cần thông qua chuỗi tác nhân người dùng.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Cốc Cốc được thành lập vào tháng 7/2012, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính. Là sản phẩm công nghệ "make in Viet Nam", Cốc Cốc hiện là một trong những trình duyệt được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam với hơn 25 triệu người dùng. Trình duyệt được phát triển cho cả hai nền tảng: di động và máy tính. Với phương châm “người dùng là trên hết”, Cốc Cốc luôn xây dựng và phát triển các tính năng, sản phẩm dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dùng Việt. Một số tính năng nổi bật được người dùng ưa thích hiện này có thể kể đến như: lọc quảng cáo, tải nhanh, duyệt web an toàn, tìm kiếm an toàn,... |
Hà Nội: Ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch Covid-19 Trong gần 2 năm qua, nhất là khi bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ tư, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước ... |
Giải pháp phòng chống Covid-19 không để shiper trở thành “chuyển phát Covid-19” Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng xu hướng phát triển thương mại điện tử, thời gian gần đây hoạt động chuyển phát hàng hóa ... |
Vụ nhân viên ngăn không cho đại lý bán bia Sabeco, Heineken nói gì? Mới đây, Bộ Công Thương đã chính thức thông tin về việc một số nhân viên của Heineken yêu cầu đại lý không được bán ... |