Chuyện về thương hiệu và gia tăng giá trị thương hiệu
Kinh tế 25/01/2024 17:35
Mỗi một vùng quê đất nước đều gắn với một vài ngành nghề, những đặc sản riêng có, người ta gọi đó là tài nguyên bản địa. Thanh Hà có những vườn vải đỏ hồng trĩu quả. Cẩm Giàng có những cánh đồng cà rốt, củ cải ngút ngàn. Đối với Kinh Môn - mảnh đất hình con cá - là những luống hành, tỏi phủ khắp cánh đồng, trải dài trên những con đường làng quê. Kinh Môn được ví như là “thủ phủ” hành tỏi của cả nước.
Ngày 20/1, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dự Lễ hội thu hoạch hành tỏi lần đầu tiên được tổ chức tại cánh đồng Đích Sơn, xã Hiệp Hòa, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. |
Một vùng đất bán sơn địa, phù sa màu mỡ, khí hậu thích hợp, cùng với bàn tay và ý chí của những người nông dân, củ hành, củ tỏi đã vươn xa, trở thành niềm tự hào của Kinh Môn, của cả xứ Đông - Hải Dương. Với nghề nông truyền thống, bà con nơi đây từng bước khá giả lên nhờ tính chuyên cần để có những vụ mùa bội thu, giá cao nhờ chất lượng được chăm chút từng khâu vun trồng.
Tuy nhiên, cũng như nhiều loại nông sản khác, lời nguyền “được mùa mất giá” luôn thắc thỏm qua mỗi mùa vụ. Đó là vì nền nông nghiệp theo tư duy sản xuất, lấy sản lượng làm mục tiêu. Để vượt qua lời nguyền đó, phải chuyển sang tư duy kinh tế, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu. Không gian giá trị kinh tế của củ hành, củ tỏi rộng hơn nhiều lần so với không gian sản lượng thu hoạch được. Nếu bán thô hành tỏi ngay chân ruộng sẽ không cao bằng bán hành tỏi đã được bảo quản, sơ chế. Bán hành tỏi sơ chế giá không cao bằng bán hành tỏi đã qua chế biến sâu.
Chuỗi giá trị ngành hàng hành, tỏi từ giống, quy trình canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến sâu, đóng gói gắn với nhãn hiệu có truy xuất nguồn gốc giá sẽ càng cao hơn. Đó chính là tư duy kinh tế nông nghiệp.
Người Kinh Môn cần làm sao để những củ hành, củ tỏi luôn có trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình. Một lọ hành tỏi muối chua do phụ nữ Kinh Môn khéo léo tạo ra làm sao để có trong thực đơn các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể trường học, doanh trại, cơ quan, đơn vị, khu công nghiệp.
Dưa hành, dưa tỏi bán kèm với những chiếc bánh chưng được gói từ nếp cái hoa vàng cũng do người nông dân nơi đây vun trồng sẽ là gợi ý cho những sản phẩm OCOP Kinh Môn.
Một lọ dưa hành, tỏi thêm những lát củ cải màu trắng, cà rốt màu đỏ trở thành sản phẩm đa vị, đa màu cũng lại là gợi ý cho Hải Dương. Hành, tỏi Kinh Môn không còn là một loại gia vị mà trở thành thực phẩm dinh dưỡng làm món ăn khác trở nên ngon hơn, đó cũng là tư duy tích hợp đa giá trị.
Hành, tỏi Kinh Môn còn trở thành dược phẩm, mĩ phẩm. Từ củ hành, củ tỏi, người Kinh Môn sẽ chế biến thành nhiều loại rượu, nhiều loại dưa muối, kết hợp với các loại Một miền quê xanh ngắt với những cánh đồng hành tỏi, và nhiều loại cây gia vị khác, với những người nông dân cần lao, gắn với núi đồi, sông Kinh Thầy, Đá Vách chảy ra sông Bạch Đằng huyền thoại, những đền chùa và những câu chuyện lịch sử là điều kiện để Kinh Môn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Khách du lịch sau khi trải nghiệm khung cảnh làng quê đầy cảm xúc sẽ mang về những đặc sản, trong đó có những túi hành, túi tỏi tươi do người Kinh Môn tạo ra bằng cả niềm tự hào về quê hương xứ sở.
Lễ hội hành, tỏi Kinh Môn sẽ như làn gió mới thổi mát thêm những cánh đồng, làm tươi mới con người bao đời chỉ biết cặm cụi vun trồng một loại gia vị làm ngon thêm cho bữa ăn bao người. Lễ hội giúp người Kinh Môn tự tin hơn, tự hào hơn về những sản vật quê mình sẽ đến các bếp ăn khắp các vùng miền đất nước. Lễ hội là hoạt động kinh tế gắn với hoạt động văn hoá lịch sử, với các hoạt động xã hội nông thôn. Bán những củ hành, củ tỏi giá trị không cao, bán cả không gian cảm xúc trải nghiệm làng nghề sản xuất hành, tỏi sẽ mở ra không gian giá trị lớn hơn nhiều lần.
Rồi đây, người phương xa trông thấy củ hành, củ tỏi là nhớ đến Kinh Môn. Rồi đây, nhắc đến Kinh Môn là người ta lại nhớ về củ hành, củ tỏi thắm vị đất, đậm hồn người. Rồi đây, người Kinh Môn sẽ tạo dựng những miền quê đáng sống, đáng đến và đáng trở về.