Bảo vệ quyền thông tin cá nhân của trẻ em
Tin tức - Sự kiện 18/01/2022 11:48
Một số quyền cơ bản của trẻ em. Ảnh TTXVN |
Thực tế này đang đặt ra những yêu cầu cao hơn với cơ quan chức năng và các bậc phụ huynh, người giám hộ, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật cũng như sự phát triển lành mạnh, an toàn của trẻ em.
Sau khi nhận được nhiều đơn thư tố giác, phản ánh của các tổ chức, cá nhân và trên cơ sở điều tra bước đầu với các chứng cứ, tài liệu liên quan, ngày 3/1/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ðức Hòa (Long An) đã quyết định khởi tố vụ án "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân" theo quy định tại Ðiều 331-Bộ luật Hình sự năm 2015 (bổ sung, sửa đổi năm 2017) đối với một số đối tượng tạm trú, sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc ở xã Hòa Khánh Tây, nơi tự xưng là "Tịnh thất Bồng Lai" hay "Thiền am bên bờ vũ trụ". Và sự việc này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, trong khi cơ quan chức năng còn đang trong quá trình điều tra làm rõ thì một số cá nhân, tổ chức đã đưa lên internet, nhất là mạng xã hội, nhiều bài viết sai sự thật, thiếu kiểm chứng liên quan sự việc, nhất là về một số trẻ em. Các nội dung đó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nghiệp vụ của cơ quan chức năng, mà còn xâm phạm đời sống riêng tư, gây tổn hại đến tinh thần, danh dự của trẻ em. Vì thế ngày 11/1/2022, Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã có công văn đề nghị Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) có biện pháp bảo vệ. Ðó là việc làm cần thiết, kịp thời, phù hợp quy định của pháp luật trong bảo vệ trẻ em.
Nhưng dù vậy, nhiều nhóm (group) trên Facebook vẫn tiếp tục đăng tải nhiều video, hình ảnh công bố diện mạo, tên tuổi của các em nhỏ với mục đích thu hút tính hiếu kỳ của một bộ phận người dùng mạng xã hội. Nhằm tránh bị lộ diện, các đối tượng này thường xuyên sử dụng hệ thống tài khoản nặc danh, liên tục đổi tên nhóm, fanpage, thiết lập chế độ riêng tư. Họ còn cố tình viết sai chính tả những nội dung chứa "ngôn từ gây thù ghét" để có thể qua mặt chế độ truy quét tự động của Facebook. Chưa kể, một bộ phận cư dân mạng cũng đang vô tình vi phạm pháp luật, tiếp tay cho tội phạm khi chia sẻ, đăng tải lại các nội dung này. Không ít người còn tràn vào kênh YouTube của người có liên quan trong vụ việc nói trên và để lại bình luận khiếm nhã, dung tục. Chưa kể, dù cam kết gỡ nội dung vì sự an toàn của trẻ vị thành niên theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng phần lớn nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đều chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình. Nhìn rộng ra, không chỉ với các trẻ em tạm trú, sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc, chỉ cần gõ vài từ khóa như "bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết", "bạo lực học đường", "học sinh tự tử", "nữ sinh đánh nhau",... trên thanh tìm kiếm của Facebook, YouTube, Tiktok... là có thể tìm kiếm thông tin, hình ảnh cụ thể của các nạn nhân là trẻ em trong một số sự vụ khác. Ðiều này cho thấy trên mạng xã hội liên quan Việt Nam, hành vi xâm phạm đời sống riêng tư của trẻ em vẫn tồn tại khá phổ biến, bất chấp việc pháp luật có chế tài xử phạt nghiêm khắc.
Luật Trẻ em năm 2016 có quy định rất rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em. Nhưng thực tế cho thấy không ít đối tượng được nhận sự hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ vẫn thiếu sự kịp thời hoặc quan tâm đúng mức. Mặt khác, Luật Trẻ em chỉ quy định chi tiết về quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính, nên việc xử lý các vi phạm còn gặp nhiều bất cập. Từ đây dẫn đến việc thông tin, hình ảnh về trẻ em vi phạm pháp luật vẫn xuất hiện khá nhiều trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng với các "tít" bài giật gân... Các bài viết này có điểm chung là hình ảnh, danh tính cá nhân đều được viết rõ và đăng tải một cách công khai, bất chấp nguy cơ những nội dung, hình ảnh như vậy có thể trở thành "bản án suốt đời" đối với trẻ em từng vi phạm pháp luật, cản trở các em tái hòa nhập với xã hội, thậm chí còn đẩy tới sự chán chường, chống đối.
Không thể phủ nhận kể từ khi Luật Trẻ em và các nghị định liên quan được ban hành, chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trong lĩnh vực báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Theo đó, Ðiều 15 của Thông tư này quy định: báo in, báo hình, báo điện tử phải làm mờ hoặc che mặt trẻ em và bảo đảm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi thông tin về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan. Ðây là công cụ pháp lý quan trọng để phòng, chống thông tin xấu, độc liên quan đến trẻ em trên một số phương tiện báo chí, truyền thông đại chúng. Về cơ bản, hiện nay phần lớn các tòa soạn báo chí, truyền hình đều đang tuân thủ nghiêm quy định này, tuy nhiên vẫn có tình trạng "lách luật" bằng cách để lại link của bài viết, video gợi ý thông tin của nạn nhân cho nhóm độc giả có thói tò mò. Thậm chí có tờ báo điện tử chọn cách sử dụng thumbnail (hình thu nhỏ mô tả nội dung bài viết hoặc video) để tiết lộ cho người đọc về thông tin, hình ảnh bị làm mờ trong bài.
Chưa kể, nhận thức còn hạn chế của một bộ phận người dân hiện nay cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi xâm hại đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em. Dù Luật Trẻ em đã quy định chỉ chia sẻ thông tin sau khi nhận được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên, song không ít người lớn vẫn vô tư đăng tải, chia sẻ hình ảnh trẻ em tùy ý mà không hề biết mình đã vi phạm pháp luật. Không ít bậc phụ huynh còn mặc nhiên coi bản thân họ có quyền đăng tải hình ảnh đời thường của con cái, cho rằng cấm đưa thông tin, hình ảnh cá nhân của trẻ em lên mạng xã hội là không khả thi, vì đó là quyền của cha mẹ. Hơn thế nữa, nhận thấy khả năng kiếm lời từ kinh doanh trên YouTube, Facebook, một số người lớn đang bắt ép con em mình xuất hiện trên video quảng cáo sản phẩm, vlog để câu kéo lượt xem, bình luận của khán giả. Rõ ràng đây là hành vi cưỡng bức lao động trẻ em, và khi bị trở thành "người nổi tiếng" bất đắc dĩ, trẻ em cũng phải đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt, tấn công trong cuộc sống và trên môi trường mạng.
Hiện nay, căn cứ Ðiều 31 Nghị định 130/2021/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, đã có chế tài xử phạt với các hành vi vi phạm quy định về cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em. Dù vậy, mức phạt tối đa 30.000.000 đồng được xem là chưa đủ sức răn đe với những cá nhân trục lợi từ hành vi này. Tương tự, nhà cung cấp dịch vụ mạng chỉ phải nộp phạt tối đa 20.000.000 đồng nếu vi phạm trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ðây cũng là lý do khiến một số đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội còn thiếu quan tâm tới trách nhiệm, nghĩa vụ của họ. Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết tình trạng nêu trên, bên cạnh vai trò của cộng đồng, xã hội, công nghệ cũng là một yếu tố góp phần nâng cao tính hiệu quả trong công tác giám sát, phòng, chống, xử lý sai phạm liên quan đến việc tiết lộ thông tin, hình ảnh trẻ em. Bởi khi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ học máy (Machine Learning), các cơ quan chức năng có thể truy vết, quét sạch các hình ảnh, nội dung xấu độc, gây ảnh hưởng đến đời sống của trẻ nhỏ. Tuy nhiên quá trình đầu tư cho công nghệ cũng đòi hỏi rất lớn về ngân sách và nhân lực.
Các năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong bảo đảm và nâng cao quyền trẻ em. Nhưng bên cạnh thành tích đã đạt được, một số vi phạm pháp luật về quyền trẻ em nói chung, quyền bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em nói riêng vẫn cho thấy một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Ðó là nhiệm vụ không của riêng cá nhân, tổ chức, cơ quan chức năng nào mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì thế cần phải tiếp tục nâng cao ý thức tìm hiểu và tự giác chấp hành của người dân ở tất cả mọi lứa tuổi với Luật Trẻ em và các nghị định liên quan thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục, tập huấn. Ðồng thời trẻ em cần được trang bị kiến thức để tự bảo vệ bản thân, mạnh dạn tố cáo các hành vi xâm phạm thông tin cá nhân đến người đại diện hoặc đường dây nóng. Sự việc liên quan bảo vệ trẻ em qua vụ việc "Tịnh thất Bồng Lai" cho thấy các cơ quan chức năng còn rất nhiều việc phải làm. Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền của trẻ em, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa các cơ quan chức năng với nhà cung cấp dịch vụ mạng nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật về quyền trẻ em nói chung, quyền riêng tư của trẻ em nói riêng. Trước mắt cần nhanh chóng lập hệ thống đường dây nóng và phát huy hiệu quả của hệ thống đường dây nóng để qua đó nhanh chóng, kịp thời nắm bắt, xử lý các phản ánh, tố cáo mọi hành vi xâm phạm quyền trẻ em trong cuộc sống hằng ngày, trên báo chí và mạng xã hội. Trong đó, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em, nhà trường và gia đình cần luôn phải là những đối tượng chủ động và đi đầu.
Hoa hậu Thùy Tiên nhận bảo trợ 15 trẻ em mồ côi vì đại dịch Covid-19 Tại sự kiện chào mừng trở về quê hương, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 - Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã nhận bảo trợ ... |
Cần ngăn chặn những nội dung xấu, độc hại tới trẻ em trên nền tảng OTT xuyên biên giới Việc các đơn vị OTT xuyên biên giới nằm ngoài vòng kiểm duyệt, để lọt nhiều nội dung bạo lực, vi phạm pháp luật…, trong ... |