Bài 2: Khắc phục khó khăn trong phát triển Đảng viên ở các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài
Tin tức 06/06/2023 08:23
Học viên của lớp Nhận thức về Đảng đi thực tế tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang |
Đi tìm nguyên nhân
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực Bắc Bộ, có vai trò trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực, là cầu nối quan trọng giữa các tỉnh phía Bắc với đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh hiện có trên 15.000 doanh nghiệp, cao gấp gần 165 lần so với năm 1997 nhưng mới có 173 tổ chức cơ sở Đảng trong các loại hình doanh nghiệp với 4.700 đảng viên. Số lượng lớn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển tổ chức Đảng, phát triển Đảng viên trong doanh nghiệp.
Năm 2012 có 2 doanh nghiệp thành lập được tổ chức Đảng là Công ty Prime Group – Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam. Cũng kể từ đó cho đến năm 2021 Vĩnh Phúc không phát thêm được tổ chức Đảng nào trong doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI. Sau quá trình vận động, tuyên truyền, tháng 11/2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập được 5 Chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp FDI trực thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh là Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Top; Công ty TNHH Compal Việt Nam - hai công ty có 100% vốn nước ngoài đứng chân trên địa bàn huyện Bình Xuyên, đây là niềm vui của Đảng viên và đông đảo cán bộ, nhân viên các công ty.
Tuy nhiên, công tác xây dựng tổ chức Đảng, phát triển Đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Đặc biệt, vai trò của nhiều tổ chức Đảng, đoàn thể, Đảng viên trong doanh còn mờ nhạt, phương pháp công tác còn hạn chế, nội dung sinh hoạt thiếu cụ thể, hấp dẫn với Người lao động chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Nguyên nhân khiến công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp FDI khó khăn là do các chủ doanh nghiệp chưa hiểu về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, Đảng viên. Đa phần chủ doanh nghiệp FDI chỉ chú trọng đến hiệu quả, lợi nhuận sản xuất, kinh doanh nên khi đề cập đến việc thành lập tổ chức Đảng, họ đều có chung câu hỏi là tại sao phải thành lập và việc thành lập có đem lại lợi ích cho doanh nghiệp không? Ngoài ra, một số chủ doanh nghiệp FDI thường xuyên vắng mặt tại Việt Nam, chủ yếu ủy quyền quản lý, điều hành cho cấp phó hoặc giám đốc chuyên môn nên việc khảo sát, tuyên truyền, giải thích với cả chủ doanh nghiệp và công nhân gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một số người lao động không muốn gia nhập tổ chức Công đoàn và đứng trong hàng ngũ của Đảng vì họ không xác định làm việc lâu dài tại doanh nghiệp. Qua thực tiễn tổ chức Công đoàn theo dõi nắm bắt tình hình, sau khi được kết nạp Đảng, một bộ phận Đảng viên thậm chí không muốn mất thêm một khoản tiền đóng Đảng phí, đây là một thực trạng khi đời sống của Công nhân lao động thực sự còn khó khăn. Do vậy, hiện lực lượng lao động trong các doanh nghiệp rất lớn (Công đoàn các KCN quản lý gần 100 nghìn đoàn viên tại 221 đơn vị, trong đó 190 đơn vị FDI) nhưng số doanh nghiệp có tổ chức Đảng; số lượng Đảng viên vẫn còn khiêm tốn.
Cán bộ, Đảng viên khối doanh nghiệp luôn thay đổi, biến động nên công tác vận động phát triển Đoàn viên, thành lập tổ chức Đảng và Công tác quản lý Đảng viên tại các doanh nghiệp rất khó khăn. Đồng thời, việc duy trì sinh hoạt Đảng hàng tháng theo quy định điều lệ, tham gia các lớp bồi dưỡng, học tập Nghị quyết đối với Đảng viên Khối Doanh nghiệp thực sự rất khó khăn do phải đảm bảo giờ giấc sản xuất theo dây chuyền, làm việc theo ca kíp….
Gỡ nút thắt
Nâng cao giải pháp trong phát triển Đảng có vốn đầu tư FDI |
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong cán bộ, Đảng viên, chủ doanh nghiệp và Người lao động về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; vai trò, vị trí, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, các đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, Đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân.
Tiếp tục bám sát, tranh thủ sự chỉ đạo của Đảng ủy khối doanh nghiệp, Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý – Khu Công nghiệp, Công an tỉnh, Sở LĐTB-XH khảo sát, điều tra nắm số liệu doanh nghiệp và Công nhân lao động tại các Khu công nghiệp để xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng công tác phát triển Đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở làm tiền đề phát triển Đảng ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI.
Phải đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền vận động, lấy chăm lo lợi ích cho người lao động để thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức công đoàn và từ đó xây dựng nền tảng thành lập tổ chức cơ sở Đảng. Kiên trì, bám trụ cơ sở, không nản trí, nản lòng, tích cực tuyên truyền vận động người lao động hiểu được lợi ích khi tham gia tổ chức Công đoàn, trở thành Đảng viên, tuyên truyền để người sử dụng lao động hiểu được lợi ích khi doanh nghiệp có tổ chức Đảng, để từ đó ủng hộ công tác phát triển Đảng và thành lập tổ chức Đảng.
Đối với những doanh nghiệp đã có tổ chức Đảng, các Huyện ủy phối hợp với đơn vị liên quan rà soát, nắm chắc số lượng, đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động của tổ chức Đảng, đề ra những giải pháp cụ thể để củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động; hướng dẫn tổ chức Đảng tại doanh nghiệp xây dựng quy chế hoạt động.
Ngoài ra tìm hiểu thực tế, tìm ra những phương pháp, cách làm hay để nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chủ các doanh nghiệp, vừa bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho Người lao động. Cùng với đó, các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thành lập tổ chức Đảng ở những nơi có đủ điều kiện; sắp xếp tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên… trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp đồng bộ với tổ chức Đảng để đảm bảo sự thống nhất; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc phát triển các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong doanh nghiệp có vốn FDI, làm cơ sở chính trị để tạo nguồn phát triển Đảng…
Ông Ninh Viết Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Mấu chốt của việc thành lập Chi bộ trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước là phải tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của chủ doanh nghiệp, Chủ tịch Công đoàn, trưởng phòng nhân sự và tinh thần khắc phục khó khăn, chuyển sinh hoạt Đảng từ địa phương về công ty của Đảng viên. Đặc biệt là phải làm tốt công tác tuyên truyền để chủ doanh nghiệp và mỗi đảng viên thấy rõ lợi ích thiết thực của việc thành lập chi bộ là góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động...
Để tháo gỡ nút thắt, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, năm 2021, Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện giao nhiệm vụ cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, tiếp tục mở rộng đối tượng giao nhiệm vụ, tăng các việc mới, việc khó, việc cần đột phá, sáng tạo. Ngày 28/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 20 về tăng cường sự lãnh đạo trong phát triển tổ chức Đảng và Đảng viên trong doanh nghiệp.
Đặc biệt ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền các cấp đã linh hoạt, sáng tạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò, sự cần thiết phải thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, giúp chủ doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng. Cùng với đó tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị cho cấp ủy, bí thư các chi, đảng bộ trong các doanh nghiệp.
Đồng thời tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống bằng những nội dung, hình thức phù hợp đối với đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhất là Đảng viên là chủ các doanh nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Cấp ủy các cấp quan tâm công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, Đảng viên để vừa chủ động phát hiện, động viên, nhân rộng những mô hình tốt, vừa kịp thời nắm bắt, uốn nắn những hạn chế, thiếu sót, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh...
Còn tiếp: