|
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang |
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh An Giang với tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,91% so cùng kì năm trước và đạt mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,24%, khu vực công nghiệp xây dựng tăng 8,72%, khu vực dịch vụ tăng 7,75%. Các lĩnh vực văn hóa xã hội, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh được đảm bảo. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Khu nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 39,75%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 12,04% tăng 0,57%, khu vực dịch vụ chiếm 46,87%, tăng 0,32%... An Giang là một tỉnh có vị thế nhất định ở khu vực ĐBSCL với mũi nhọn và chủ lực kinh tế về sản xuất lúa gạo. Điểm nhấn là về nông nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2019, với vụ Mùa và vụ Đông - Xuân, toàn tỉnh An Giang đã gieo trồng được 258.220 ha, đạt 100,26%, tăng 3,945 ha so cùng kì. Trong đó, diện tích lúa 238.242 ha, tăng 3375 ha. Hoa màu các loại gieo trồng đạt 19.791 ha, tăng 120 ha so cùng kì. Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã kết thúc thu hoạch lúa Đông - Xuân, được 233.902, đạt 100% diện tích xuống giống, năng suất bình quân ước đạt 7,25 tấn/ha. An Giang xuống giống dứt điểm vụ Hè - Thu 2019 được 230.049 ha lúa, đạt 100,07%. Sản lượng lúa đạt 1,713 triệu tấn. Bên cạnh, hoa màu An Giang thu hoạch 18.650 ha, đạt 98% diện tích xuống giống. Hiện đã xuống giống tiếp 15.085 ha, đạt 72% kế hoạch gồm rau, dưa các loại. Nhìn chung, các loại hoa màu An Giang có năng suất ổn định. Cây ăn trái lâu năm của An Giang có khoảng 17.600 ha, tăng 400 ha so với năm 2018, năng suất hầu hết các loại cây trồng đều tăng sản lượng thu hoạch. Được biết, theo dự báo, tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm 2019 của tỉnh An Giang sẽ gặp một số khó khăn như: Mùa khô đến sớm, được dánh giá là khắc nghiệt hơn so trung bình nhiều năm. Nắng nóng sẽ kéo dài, mưa giảm. Thị trường xuất khẩu gạo của tỉnh An Giang sẽ tiếp tục cạnh tranh gay gắt với Thái Lan, Ấn Độ, và các nước mới nổi như: Campuchia, Myanmar, Pakistan…và sự thay đổi nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu truyền thống như Philipines. Thêm vào đó, Indonesia đến sau tháng 7.2019 mới có nhu cầu nhập khẩu gạo của An Giang. Kinh tế tỉnh An Giang được dự báo sẽ gặp một số thuận lợi như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã triển khai và bắt đầu có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cây ăn trái sẽ cho thu hoạch nhiều hơn. Đề án cá tra 3 cấp đang triển khai thực hiện, dự kiến kết quả tăng sản xuất con giống trên 200 triệu con. Xuất khẩu thủy sản đông lạnh khả năng tiếp tục đà tăng trưởng. Các nước châu Á vẫn là thị trường truyền thống tăng mạnh nhất, sẽ góp phần nâng cao sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, ngành thương mại, dịch vụ của tỉnh dự đoán cũng có nhiều cơ hội phát triển hơn sau khi cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định. “Năm 2019 là năm “nước rút”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016- 2020). Với sự tập trung của lãnh đạo Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, giám sát của HĐND tỉnh, cùng sự nỗ lực và sự đồng thuận của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh .Từ những thành quả đạt được về kinh tế - xã hội, từng ngành, từng địa phương trực thuộc tỉnh An Giang thực hiện đánh giá tình hình phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2019 để tiếp tục phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tỉnh An Giang nhất định quyết tâm rà soát, điều chỉnh, bổ sung giải pháp, tập trung chỉ đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.”
Chí Tín