Vườn quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ: Nâng cao hiệu quả công tác quản lí và bảo vệ rừng
Kinh tế 08/06/2018 08:47
Vườn quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích tự nhiên là 15.048 ha, tổng số 29 thôn vùng đệm, với 2.535 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân thuộc các thôn, bản vùng đệm còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, trình độ nhận thức chưa đồng đều; định mức giao khoán bảo vệ rừng thấp, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng chưa được thực hiện; nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái chưa có. Do vậy, Ban Quản lí vườn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lí BV&PTR trên địa bàn.
Những năm qua, công tác quản lí, BV&PTR luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh. Nhờ đó, đã tác động tích cực đến công tác BV&PTR, được người dân nhiệt tình hưởng ứng.
Năm 2017, Vườn quốc gia Xuân Sơn đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lí bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác quản lí bảo vệ rừng; cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng địa phương với nhiệm vụ BV&PTR. Việc triển khai thực hiện đến từng thôn bản, từng người dân và được vận dụng linh hoạt các nội dung đầu tư để phù hợp với từng địa phương, từng khu vực và quan trọng hơn cả là đều xuất phát từ nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của bà con Nhân dân trong thôn, xã. Trong quá trình thực hiện, Vườn quốc gia đã kết hợp chặt chẽ giữa công tác quản lí bảo vệ rừng với việc hỗ trợ phát triển cộng đồng.
Cán bộ, nhân viên Vườn quốc gia Xuân Sơn tuần tra bảo vệ rừng
Tổ chức giao khoán bảo vệ rừng, kí cam kết quản lí bảo vệ rừng của Vườn quốc gia với các cộng đồng và hằng năm tổ chức đánh giá việc thực hiện cam kết của cộng đồng làm cơ sở để quyết định tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cho cộng đồng những năm tiếp theo.
Qua đó, đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên với diện tích 9.800 ha cho các bản, làng, tương ứng với 1.420 hộ gia đình vùng đệm tham gia. Như vậy, mỗi hộ gia đình vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn được nhận bình quân khoảng 650.000 đồng/hộ/năm từ kinh phí hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng.
Thực hiện hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị; sửa chữa, xây mới nhà văn hóa để phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng kết hợp với công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh; làm đường giao thông nông thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp về cây, con giống, xây dựng kênh mương, ống dẫn nước cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
Vườn quốc gia Xuân Sơn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác dân vận tại cơ sở theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thông qua việc hỗ trợ đầu tư đã góp phần không nhỏ trong việc quản lí bảo vệ rừng và cải thiện, nâng cao điều kiện sinh hoạt, điều kiện sản xuất nông nghiệp của người dân. Cụ thể: Đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên cho các cộng đồng quản lí; Hỗ trợ đầu tư xây dựng được 1.750m đường bê tông nông thôn, 150m kênh mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho lúa, 400m ống dẫn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; 500 con lợn giống, hơn 1.000 con vịt bầu đất…. Với những kết quả đạt được trên đã phần nào thể hiện được hiệu quả của nguồn vốn đầu tư và hơn cả là đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong cách triển khai thực hiện, cũng như việc định hướng các nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lí bảo vệ rừng đến mọi tầng lớp Nhân dân thông qua việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; vận dụng linh hoạt theo từng đối tượng cũng như nội dung tuyên truyền, cụ thể: Mở được 29 lớp tuyên truyền với 1.450 người tham gia; xây dựng 10 biển tuyên truyền; 29 bảng thông tin đường dây nóng; phát 2.000 tờ rơi; tổ chức 18 buổi tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa tại 18 thôn vùng đệm với nội dung tìm hiểu pháp luật và các chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng.
Qua đó, đã nâng cao nhận thức của người dân địa phương về Luật BV&PTR, ý thức của khách du lịch, tạo được tính lan tỏa rộng rãi đối với mọi tầng lớp Nhân dân trong công tác quản lí, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Xuân Sơn.
Có thể thấy, Ban quản lí vườn Quốc gia Xuân Sơn đã có hướng đi đúng đắn trong việc gắn rừng với lợi ích của cộng đồng, mỗi người dân sống trong vùng đệm, vùng lõi của Vườn là người bảo vệ đắc lực cho rừng. Những cánh rừng trong tầm quản lí của bà con được gìn giữ nguyên vẹn và cũng chính nhờ vào lợi ích mà Vườn quốc gia mang lại cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng người dân cũng có cuộc sống ổn định hơn. Điều kiện sống về vật chất cũng như tinh thần của người dân được cải thiện, từng bước góp phần làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, cùng với chính quyền địa phương chung sức xây dựng nông thôn mới
Ngọc Tân