Vietcombank – Những dấu ấn tiên phong
Doanh nghiệp - Doanh nhân 30/01/2021 15:05
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của năm 2020 đầy biến động, hoạt động kinh doanh của Vietcombank vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả và trở thành điểm sáng trong toàn ngành ngân hàng, tiếp tục giữ vững vị trí ngân hàng vượt trội về hiệu quả kinh doanh và lần đầu tiên trở thành doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.
Tổng tài sản vượt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2019; Huy động vốn thị trường I đạt 1.053.451 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2019, đạt 104,6% kế hoạch năm 2020; Thu nợ ngoại bảng đạt 2.418 tỷ đồng; Lợi nhuận hợp nhất đạt trên 23 nghìn tỷ đồng (~1 tỷ đô la Mỹ), tương đương mức năm 2019, tiếp tục giữ vị trí quán quân là ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất và là ngân hàng Việt Nam duy nhất lọt vào nhóm 200 ngân hàng có quy mô lợi nhuận lớn nhất toàn cầu. Các lĩnh vực nghiệp vụ ngân hàng tiếp tục đạt hiệu quả cao như: Doanh số thanh toán quốc tế - tài trợ thương mại đạt 83 tỷ USD, hoàn thành 101% kế hoạch năm 2020, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 15,3% thị phần cả nước; Doanh số mua bán ngoại tệ đạt 53,6 tỷ USD, hoàn thành 102,5% kế hoạch năm 2020; Doanh số thanh toán thẻ và sử dụng thẻ lần lượt đạt 100% và 98% kế hoạch năm 2020; Phát triển 2,85 triệu khách hàng E-banking mới và 1,67 triệu khách hàng cá nhân mới, tăng lần lượt là 21,8% và 3,1% so với năm 2019…
Đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt 838.220 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với 2019, hoàn thành 103,6% kế hoạch năm. Trong đó có các lĩnh vực tăng trưởng nổi bật như: Tín dụng bán lẻ tăng trưởng cao, đạt mức 20,4%. Tín dụng cho vay tại phòng giao dịch tăng 25,3% so với cuối năm 2019. Dư nợ cho vay FDI tăng 16,7% so với cuối năm 2019. Với quy mô tăng trưởng hơn 100.000 tỉ đồng dư nợ trong năm 2020, Vietcombank chính thức được ghi nhận là ngân hàng có quy mô tín dụng tăng trưởng lớn nhất ngành ngân hàng.
Kết thúc năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank chỉ còn ở mức 0,6%. Kết quả này tiếp tục ghi nhận Vietcombank là tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, chất lượng tài sản tốt nhất trong số các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Đồng thời, Vietcombank cũng là ngân hàng có tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất trong các tổ chức tín dụng với tỉ lệ gần 380%, tức là với 1 đồng nợ xấu thì Vietcombank có tới 3,8 đồng để dự phòng, đảm bảo được sự an toàn, chắc chắn và hoạt động ổn định cho ngân hàng trước những rủi ro, bất trắc của thị trường.
Với hiệu quả kinh doanh vượt trội, Vietcombank tiếp tục duy trì vị thế là doanh nghiệp có quy mô nộp ngân sách nhà nước lớn nhất. Cổ phiếu VCB đã vượt lên trở thành cổ phiếu có quy mô vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (~ 370 ngàn tỷ đồng, tương đương 16 tỷ USD).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho Vietcombank tại Hội nghị triển khai hoạt động kinh doanh năm 2021 của Vietcombank |
Gần 4.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất chia sẻ với khách hàng
Với tinh thần tiên phong thực thi các định hướng điều hành của Chính phủ và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh môi trường kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Vietcombank đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ và mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp bởi dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng của bão lũ tại miền Trung như: miễn giảm lãi, phí; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; cho vay mới để hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai các gói tín dụng với lãi suất phù hợp để hỗ trợ khách hàng…
Trong năm 2020, Vietcombank đã thực hiện 5 đợt giảm lãi suất cho vay, nhiều nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng, gồm 4 đợt hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 và 01 đợt hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tại 10 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bão lũ để chia sẻ khó khăn với khách hàng với tổng dư nợ được Vietcombank hỗ trợ lãi suất cho vay xấp xỉ 660.000 tỷ đồng; tổng số tiền lãi sau 5 lần giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng lên đến gần 4.000 tỷ đồng.
Vietcombank cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 với dư nợ được cơ cấu tại thời điểm 31/12/2020 là 5.156 tỷ đồng (nợ gốc 4.438 tỷ đồng và nợ lãi 718 tỷ đồng). Bênh cạnh đó, Vietcombank đã tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội hỗ trợ cộng đồng với tổng số tiền gần 350 tỷ đồng, trong đó hơn 40 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng chống COVID-19, nỗ lực góp phần đồng hành cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh, ổn định dân sinh.
Ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu
Năm 2020, Vietcombank cũng đã có bước phát triển đột phá trong hoạt động ngân hàng số, trở thành ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu với việc chính thức ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank hoàn toàn mới, thanh toán đa kênh tích hợp được xây dựng trên việc hợp nhất các nền tảng giao dịch riêng rẽ trên internet banking và mobile banking, cung cấp trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên các phương tiện điện tử và thiết bị di động.
Vietcombank cũng là ngân hàng được Văn phòng Chính phủ lựa chọn để đồng hành từ những ngày đầu xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia và là ngân hàng tiên phong cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm giúp cho người dân có thể dễ dàng, thuận tiện khi thưc hiện các thủ tục thanh toán đối với các dịch vụ công.
Với những đổi mới số hóa đột phá trong việc ứng dụng các thành tựu công nghệ nổi bật để mang đến cho khách hàng dịch vụ thanh toán hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi, đảm bảo an toàn, bảo mật, Vietcombank đã được vinh danh là ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu trong năm 2020.
Để đạt được những thành công đó, Vietcombank đã có định hướng chiến lược kinh doanh bài bản, đặt ra mục tiêu “hạ cánh mềm” trước sự thay đổi lớn của môi trường kinh doanh dưới tác động của đại dịch COVID-19.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, trong thời gian vừa qua, Vietcombank đã có chiến lược kinh doanh có chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn hiệu quả với lãi suất đầu vào thấp, nâng cao chất lượng hoạt động, quản trị danh mục tín dụng chặt chẽ; cùng với đó là tiết giảm mạnh các chi phí hoạt động, ứng dụng nền tảng công nghệ hiện đại, đi đầu trong chuyển đổi ngân hàng số nên luôn đạt kết quả kinh doanh cao nhất thị trường. Đây là những yếu tố chính để Vietcombank có thể tiếp tục hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất, duy trì mặt bằng cho vay thấp trên thị trường.
Một điểm nhấn quan trọng trong năm 2020 là việc đưa vào vận hành thành công Hệ thống ngân hàng lõi mới - Core banking Signature và triển khai nhiều dự án ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng lực hoạt động, quản trị theo thông lệ quốc tế.
Theo đó, Vietcombank đã chính thức cung cấp dịch vụ trên hệ thống Core Banking mới từ ngày 27/01/2020 (mùng 3 Tết nguyên đán Canh Tý). Việc triển khai hệ thống Core Banking mới có ý nghĩa quan trọng đối với Vietcombank, cho phép đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số. Cũng trong năm 2020, Vietcombank đã đưa vào vận hành nhiều hệ thống mới như: Phân tích lợi nhuận đa chiều MPA, Quản trị nguồn nhân lực HCM... và khởi động nhiều dự án chuyển đối, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng lực hoạt động và quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế như Treasury, ALM.FTP, IFRS9, PCM...
Vietcombank được vinh doanh đơn vị nộp Ngân sách lớn nhất cả nước năm 2020 |
Đối với hoạt động kinh doanh, Vietcombank tập trung triển khai mạnh mẽ 03 trụ cột kinh doanh Bán lẻ - Dịch vụ - Đầu tư. Với mục tiêu hướng tới là ngân hàng số 1 về sự hài lòng của khách hàng, cung ứng những trải nghiệm số hiện đại nhất, mang lại sự thuận tiện và an tâm cho khách hàng, Vietcombank đã triển khai dự án chuyển đổi mô hình hoạt động bán lẻ (RTOM) nhằm chuyển đổi toàn diện hoạt động của bán lẻ, với định hướng xuyên suốt lấy khách hàng là trung tâm, hướng tới trải nghiệm số và gắn kết khách hàng. Trên cơ sở đó, Vietcombank đã thực hiện sắp xếp lại Khối Bán lẻ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với chức năng nghiệp vụ. Trong năm 2020, nhiều sản phẩm dịch vụ bán lẻ mới đã được Vietcombank giới thiệu tới khách hàng.
Năm 2020, Vietcombank liên tiếp được các Tạp chí có uy tín của khu vực và toàn cầu đánh giá rất cao, được vinh danh ở nhiều hạng mục giải thưởng lớn. Thứ hạng của ngân hàng cũng được nâng tầm khu vực và thế giới, top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt trong top 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu (theo Forbes); đứng thứ 403 (đứng đầu nhóm ngân hàng tại Việt Nam) trong bảng xếp hạng của The Banker; lọt Top 2 ngân hàng có giá trị thương hiệu tăng trưởng cao nhất toàn cầu (theo Brand Finance) và là đơn vị có giá trị thương hiệu lớn nhất ngành ngân hàng tại Việt Nam (theo Forbes Việt Nam)…
Ở trong nước, Vietcombank lần thứ 7 liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia; được vinh danh là ngân hàng nộp thuế và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”; 5 năm liên tiếp là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam; là thương hiệu ngân hàng uy tín nhất trên truyền thông 3 năm liên tục, cùng nhiều giải thưởng uy tín khác dành cho các sản phẩm dịch vu về ngân hàng bán lẻ, ngân hàng số, sản phẩm Thẻ…
Năm 2021, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 12%; Tổng tài sản tăng ~ 6%, huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân tăng ~ 8%; Tín dụng tăng ~ 12%; Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dưới 1%.