Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
Tin tức - Sự kiện 11/03/2022 07:39
Chiều 10/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp các lãnh đạo chủ chốt và Thường trực Ban Bí thư. |
Tổng Bí thư cũng yêu cầu, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Chiều 10/3, tại trụ sở Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và đồng chí Thường trực Ban Bí thư đã họp thường kỳ hằng tháng, đánh giá những vấn đề nổi bật của đất nước, tình hình quốc tế hai tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp và phát biểu kết luận.
Phát biểu tại cuộc họp, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và đồng chí Thường trực Ban Bí thư đánh giá, trong hai tháng đầu năm, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực cố gắng đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Trong đó, một số kết quả nổi bật là: Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 35 của Thủ tướng Chính phủ về lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức Tết Nhâm Dần, tạo điều kiện để nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc đón Tết, vui xuân được gắn với các hoạt động kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng. Tuy dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung kỳ nghỉ Tết năm nay an bình, nhân dân phấn khởi, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng đón Tết đầm ấm, yên vui, hạnh phúc. Công tác chăm lo đời sống, bảo đảm đón Tết, vui xuân cho các đối tượng chính sách, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được thực hiện chu đáo.
Công tác phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt. Việc cho phép sản xuất và lưu hành thuốc chữa Covid-19 do Việt Nam sản xuất đã tạo nguồn cung quan trọng thuốc điều trị cho người mắc bệnh. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang tăng nhanh sau kỳ nghỉ Tết, nhưng tính chung trong tháng 2, số ca điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%; số ca nguy kịch giảm 43,1%; số ca tử vong giảm 47,1% so với tháng trước.
Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương. Lượng khách quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, vốn đầu tư từ nước ngoài, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, tăng cường. Đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội như chuẩn bị và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế. Một số dự án chậm tiến độ kéo dài đã được triển khai quyết liệt và bước đầu đạt những kết quả tích cực.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tập thể từng cá nhân thẳng thắn, nghiêm túc với tinh thần tự phê bình và phê bình cao, có tính cầu thị, có kết luận rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm đối với từng đồng chí, để làm gương cho các cấp ủy, cán bộ lãnh đạo các cấp; đồng thời gợi ý, chỉ đạo một số tập thể, cá nhân bộc lộ hạn chế khuyết điểm, tập trung kiểm điểm để đề ra giải pháp khắc phục.
Về diễn biến tình hình liên quan đến xung đột vũ trang ở Ukraine, lãnh đạo chủ chốt và Thường trực Ban Bí thư đã có chỉ đạo kịp thời, đặc biệt là công tác bảo hộ công dân; Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt xử lý các vấn đề liên quan tới tình hình khủng hoảng tại Ukraine. Những chuyến bay đầu tiên sơ tán người Việt Nam tại Ukraine đã được tổ chức nhanh chóng, thành công.
Theo Tổng Bí thư, những kết quả đạt được trong hai tháng qua là kết quả của cả quá trình nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân từ Đại hội XIII của Đảng đến nay. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và đồng chí Thường trực Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, đều tay, nhịp nhàng, ăn khớp trên tất cả các lĩnh vực, các khối. Qua đó, từng đồng chí đã thể hiện được vai trò chủ chốt, gương mẫu. Đây là cách làm có hiệu quả để các cấp ủy, các ngành cần học tập, làm theo.
Trước tình hình thời gian tới, nước ta có thể tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới, Tổng Bí thư yêu cầu phải nắm chắc và dự báo đúng tình hình, đề ra chủ trương phải đúng trên tinh thần kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, tuyệt đối không được nghiêng ngả, đồng thời phải ứng phó linh hoạt, chỉ đạo xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra. Muốn làm được như vậy phải tiếp tục tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp nhịp nhàng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Vừa chỉ đạo tốt các công việc hàng ngày vừa tập trung chuẩn bị tốt Hội nghị Trung ương 5 và kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đồng chí Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nguồn lực ứng phó với dịch bệnh trong các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Đẩy nhanh hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3, có phương án tiêm vaccine mũi thứ 4 (khi cần thiết) cho người lớn; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để tiêm chủng an toàn cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi. Bảo đảm đủ thuốc và tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các địa phương trong công tác điều trị, không để quá tải hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi, hướng dẫn thực hiện quy định về phòng, chống dịch một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế.
Triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, chính sách. Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, các tuyến kết nối vùng miền núi phía bắc, Tây Nguyên với miền trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến vành đai ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nhất là các dự án lớn để tạo năng lực sản xuất mới. Việc đi thăm, làm việc tại các địa phương, các ngành đã có nhiều cải tiến do có sự phân công cụ thể rõ ràng, tới đây cần tiếp tục cải tiến thực hiện tốt hơn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất và hiệu quả thật sự.
Theo dõi sát tình hình quốc tế, khu vực, phân tích, đánh giá kịp thời những tác động đến kinh tế thế giới, thị trường tài chính, tiền tệ, các chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và có chính sách xuất, nhập khẩu phù hợp. Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu, có giải pháp điều hành giá trong đó có mặt hàng xăng dầu linh hoạt, phù hợp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không làm tăng chi phí sản xuất, đầu tư. Có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía bắc. Tổ chức tốt việc từng bước mở cửa lại du lịch, các ngành giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể thao bảo đảm an toàn trong điều kiện dịch Covid-19. Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Giao Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì, cùng các ban, bộ, ngành có liên quan thường xuyên theo dõi sát tình hình liên quan tại Ukraine, tham mưu, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt để có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, đồng bộ, kịp thời những vấn đề liên quan đến Việt Nam, đặc biệt trên các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, kinh tế và an ninh chính trị, phù hợp với lợi ích của Việt Nam nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Trước mắt, tập trung nguồn lực để bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân, doanh nghiệp Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan, triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân và kế hoạch đưa người Việt Nam về nước.
Tiếp tục chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xác định các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; sớm đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm. Giao các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, điều tra để xử lý nghiêm vi phạm trong các vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương và các đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án "Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; điều tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm trong đấu giá đất, chứng khoán,…
Kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc Ngày 3/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. |
12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của năm 2022 Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu ... |