Ông Nguyễn Công Trung, Phó Chủ tịch Hội NCT tỉnh cho biết: Giai đoạn 2012 - 2017, toàn tỉnh có 4.362 NCT làm kinh tế giỏi cấp cơ sở, cấp huyện có 640, cấp tỉnh là 142 và cấp trung ương có 12 hội viên xuất sắc. Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng và tiểu thủ công nghiệp và lĩnh vực dịch vụ, NCT đã chung tay nâng giá trị sản xuất; có 68 NCT làm kinh tế giỏi cấp tỉnh.
|
Khen thưởng NCT làm kinh tế giỏi |
Ông Nguyễn Ngọc Phát, 66 tuổi (ở thị xã Cai Lậy), là cựu tù kháng chiến. Năm 1977 xuất ngũ về quê, không có đất sản xuất, với ý chí vượt lên khó nghèo, ông đi học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, mua bán, chăn nuôi từ nhỏ đến lớn. Ban đầu, ông chỉ chở hàng mướn, chăn nuôi heo; rồi dần dần làm đại lí bán vật liệu xây dựng, mua bán lương thực thực phẩm từ Tiền Giang đi Sông Bé và ngược lại… Đến nay, ông đã mua được 3 xe tải chở hàng, kinh doanh xăng dầu, lập trang trại 25ha trồng điều, có 4 doanh nghiệp giao cho con quản lí; doanh thu hằng năm 50 tỉ đồng. Ông còn tích cực làm công tác từ thiện xã hội, số tiền 700 triệu đồng.
|
Tặng Bằng khen UBND tỉnh Tiền Giang cho các cá nhân xuất sắc |
Ông Cao Xuân Nguyện, 74 tuổi (thị xã Gò Công) là tấm gương sáng vượt khó, làm giàu chính đáng. Năm 50 tuổi ông học bổ túc văn hóa, tốt nghiệp THPT tiếp tục học Đại học mở TP Hồ Chí Minh và tốt nghiệp với bằng cử nhân Đông Nam Á. Nhờ kiến thức đã học và kinh nghiệm cuộc sống giúp ông thành công. Hiện ông sản xuất nhang xuất khẩu sang Campuchia; xây dựng trang trại trồng 3,2ha thanh long ruột đỏ, chuối Nam Mỹ… doanh thu hằng năm 2,5 tỉ đồng, làm công tác từ thiện xã hội 220 triệu đồng.Ông Nguyễn Văn Do, 63 tuổi (huyện Tân Phước), là cán bộ hưu gắn bó lâu dài với HTX thủy bộ, với 950 xã viên, cả ngàn phương tiện vận tải; doanh thu 140 tỉ đồng/năm. 5 năm qua bản thân ông và vận động xã viên tham gia hoạt động phúc lợi xã hội trên 447 tiệu đồng.
|
Xưởng may mặc xuất khẩu do ông Nguyễn Tấn Thanh làm chủ |
Ở huyện Cái Bè có ông Nguyễn Văn Lang, 73 tuổi, được mệnh danh là "kĩ sư chân đất", chủ cơ sở sản xuất máy công cụ, là người đầu tiên chế tạo ra máy tuốt lúa, máy cắt lúa liên hợp; mỗi năm đưa ra thị trường 200 máy tuốt lúa, 40 máy cắt lúa liên hợp; sử dụng 17 lao động, doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm, làm công tác từ thiện xã hội hàng trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Hồng, 64 tuổi, chế biến gạo xuất khẩu, giải quyết việc làm cho 30 lao động, doanh thu 10 tỉ đồng, dành 250 triệu đồng làm từ thiện. Bà Trần Thị Lạc, 71 tuổi, kinh doanh dịch vụ ăn uống, sử dụng 10 lao động, doanh thu 4,7 tỉ đồng/năm, làm từ thiện xã hội 500 triệu đồng. Ông Phan Văn Đức, 71 tuổi làm dịch vụ du lịch, doanh thu 3,55 tỉ đồng, làm từ thiện 110 triệu đồng.
Tại huyện Châu Thành có ông Nguyễn Tấn Thanh, 63 tuổi đảng viên, cán bộ hưu trí, giám đốc doanh nghiệp may mặc xuất khẩu, sử dụng trên 500 lao động, doanh thu 100 tỉ đồng/năm, dành 500 triệu đồng làm từ thiện xã hội. Ông Vũ Văn Tiến, 63 tuổi chuyên in chiếu, dệt chiếu, sử dụng 20 lao động, doanh thu mỗi năm 2 tỉ đồng, làm từ thiện 112 triệu đồng…
|
Trao giấy chứng nhận cho NCT tiêu biểu làm kinh tế giỏi |
Nhiều NCT khác đang ngày đêm nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, nêu tấm gương mẫu mực về tinh thần lao động cho con cháu và giúp đỡ cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Đàng, 70 tuổi (TP Mỹ Tho), làm vườn và kinh doanh du lịch, doanh thu trên 10 tỉ đồng/năm, làm từ thiện 80 triệu đồng. Bà Đỗ Thị Như, 69 tuổi (huyện Chợ Gạo), sản xuất kinh doanh nước mắm, giải quyết việc làm cho 12 lao động, doanh thu 5 tỉ đồng, làm từ thiện 70 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Mỹ Trung, 67 tuổi (thị xã Gò Công), sản xuất nước đá, doanh thu hằng năm 3,5 tỉ đồng, làm từ thiện 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Lạc, 60 tuổi chủ doanh nghiệp xây dựng (thị xã Cai Lậy), sử dụng 60 lao động, doanh thu hằng năm 17 tỉ đồng, làm công tác từ thiện xã 600 triệu đồng.
Cũng theo ông Trung, dịch vụ, kinh doanh tổng hợp là ngành có số NCT tham gia nhiều đứng sau sản xuất nông, ngư nghiệp. NCT thực sự là nguồn nhân lực dồi dào, vừa làm nông nghiệp vừa kinh doanh tổng hợp; phân công hợp lí trong gia đình và sử dụng lao động tại địa phương.
Thanh Hà