Những giải pháp đưa huyện Tân Trụ dẫn đầu tỉnh Long An về chỉ số năng lực cạnh tranh
Sự kiện 17/07/2024 16:04
Đạt được kết quả ấn tượng, thuyết phục trên, ông Trịnh Phước Trung, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ, cho rằng cần phải coi trọng, thúc đẩy thực hiện các giải pháp nâng cao 2 chỉ số về: Tính minh bạch và Chi phí thời gian. Theo đó về giải pháp thực hiện tính minh bạch cần quyết liệt triển khai 3 giải pháp căn bản.
Thứ nhất: rà soát, cung cấp đầy đủ thông tin lên Trang thông tin điện tử của huyện đảm bảo theo Quy định tại Nghị định 42/2022/NĐ-CP, ngày 24/6/2022 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên Trang thông tin điện tử của huyện và phương tiện thông tin đại chúng, như: Công khai 100% thủ tục hành chính, phí và lệ phí, các mẫu biểu, hướng dẫn thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước. Đăng tải đầy đủ văn bản Quy phạm pháp luật đã ban hành; văn bản Quy phạm pháp luật của Trung ương, của tỉnh liên quan đến lĩnh vực ngành, địa phương quản lý; các định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm theo chức năng nhiệm vụ của địa phương; thông tin về các dự án, hạng mục đầu tư, đấu thầu, mua sắm công (Dự án chuẩn bị đầu tư, dự án đang triển khai và dự án đã hoàn tất; công trình kêu gọi đầu tư; kế hoạch đấu thầu; phê duyệt kết quả trúng thầu; công khai tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, v.v.); công khai các danh mục dự án kêu gọi đầu tư; các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; các thông tin về chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch đã được duyệt v.v.
Lãnh đạo huyện Tân Trụ đón nhận giải thưởng Top 5 đơn vị dẫn đầu DDCI 2023 của tỉnh Long An |
Thứ hai: kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Biên tập Trang thông tin điện tử của huyện, xã, thị trấn; thường xuyên đổi mới, cập nhật phong phú nội dung trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị nhằm tạo ra một môi trường mạng thân thiện, hữu ích đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin. Bố trí đăng tải các mục thông tin liên quan đến doanh nghiệp ở những vị trí dễ tìm kiếm. Tiếp nhận và phản hồi các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử.
Thứ ba: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nhiệm vụ thực hiện cải thiện kết quả điểm số và xếp hạng chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh của huyện nói chung và chỉ số Tính minh bạch nói riêng trên các loại hình báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, Trang thông tin điện tử của huyện, xã, thị trấn để nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp; khuyến khích việc triển khai tuyên truyền trên các ứng dụng mạng xã hội (zalo, facebook, v.v.) để doanh nghiệp biết, phục vụ cho định hướng đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh; thường xuyên tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ý nghĩa của Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, cơ quan, đơn vị và các địa phương, để các doanh nghiệp hiểu đúng, đánh giá, nhận xét đúng về các nội dung được khảo sát và tích cực tham gia trả lời phiếu hằng năm; tăng cường tuyên truyền tới người dân và doanh nghiệp nắm được lợi ích và cách thức khi truy cập vào các Trang thông tin điện tử của huyện và các cơ quan Nhà nước để lấy thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Đối với giải pháp thực hiện chỉ số Chi phí thời gian, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ Trịnh Phước Trung cũng đề ra 3 phương hướng thực hiện, cụ thể:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ; đẩy nhanh tiến trình tinh gọn thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hoạt động thông qua việc tăng cường sự kết nối, liên thông trong ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến bảo đảm an toàn, nhanh chóng, hạn chế việc người dân, doanh nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức. Tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, đồng thời cũng cần nâng cấp, cải thiện hạ tầng kỹ thuật để tạo thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, giúp giảm thiểu các chi phí phát sinh về thời gian và tài chính cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tăng cường khai thác hiệu quả Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ trên địa bàn huyện, đảm bảo hồ sơ cá nhân, tổ chức được giải quyết nhanh, đúng hạn; tuyên truyền và đẩy mạnh việc tiếp nhận và giải quyết dịch vụ công trực tuyến song song với việc trả hồ sơ thông qua Dịch vụ bưu chính công ích; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt.
Các ngành phải phối hợp giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra đảm bảo không quá 1 lần/năm/doanh nghiệp trên tinh thần hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phải đẩy mạnh giám sát việc thực thi công vụ của các thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp, đảm bảo không nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm quy định về thời gian trong giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị.
UBND huyện Tân Trụ họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2024 - (Ảnh từ Cổng thông tin huyện Tân Trụ) |
Ông Trịnh Phước Trung cho biết thêm, với kỳ vọng chuyển đổi từ một huyện nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, huyện Tân Trụ đã và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình giao thông mang tính kết nối vùng, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa về với Tân Trụ.
“Để đón làn sóng đầu tư, huyện đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến, quảng bá đầu tư với nhiều hình thức như: xây dựng phim quảng bá xúc tiến đầu tư; tổ chức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp; các hoạt động mời gọi nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu để đầu tư phát triển tại huyện. Đồng thời, huyện luôn quan tâm hợp tác tốt với các cơ quan thông tấn, báo chí để thực hiện việc quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của huyện và sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư về đầu tư tại huyện”, ông Trung nhấn mạnh.
Được biết, thực hiện đánh giá chỉ số DDCI là nhằm khảo sát, đánh giá năng lực chỉ đạo, điều hành của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; đánh giá cảm nhận về thái độ, chất lượng hướng dẫn, giải quyết của cán bộ Nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp; đánh giá mức độ quan tâm của người dân, doanh nghiệp đến các chủ trương, chính sách liên quan đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.