Nhiều tồn tại, hạn chế của Luật Quy hoạch cần được tháo gỡ
Sự kiện 30/05/2022 15:16
Ngày 30/5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV dành thời gian cả ngày thảo luận tại hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật công tác quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành năm 2017. Phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình và phát thanh.
Công tác giám sát ngay từ đầu nhiệm kỳ được Quốc hội khóa XV đặc biệt chú trọng, với việc ban hành Nghị quyết về Chương trình giám sát tối cao năm 2022 và Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Các Nghị quyết này nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan để từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế về quy hoạch.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế báo cáo những vẫn đề chính kết quả giám sát sáng 30/5 |
Luật Quy hoạch được thông qua năm 2017 đã giải quyết những vấn đề đặt ra và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quy hoạch; thay đổi cách tiếp cận từ quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; tính định hướng trong phát triển được thể hiện tốt hơn; các cấp, các ngành trưởng thành hơn trong công tác quy hoạch... Tuy nhiên, đây là một Luật khó, liên quan nhiều vấn đề phức tạp, phạm vi rộng. Đến nay, sau 5 năm Luật có hiệu lực vẫn chưa lập, phê duyệt xong hệ thống quy hoạch quốc gia.
Trước những khó khăn, vướng mắc nảy sinh ngay từ khi triển khai, ngay sau khi kiện toàn, Quốc hội khóa XV đã chọn Luật Quy hoạch là chuyên đề giám sát đầu tiên với mục tiêu tìm hạn chế, nguyên nhân, rõ trách nhiệm, đề xuất phương án xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển bền vững.
Sau gần 5 tháng lên đề cương, nghiên cứu báo cáo và làm việc với Bộ ngành, địa phương, Đoàn giám sát cơ bản nhận diện và chỉ rõ được những nút thắt, điểm nghẽn từ chính những bất cập trong quy định đến cách tổ chức thực hiện trong thực tế, nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan. Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc, nhất là thể chế, cơ chế, chính sách trong triển khai Luật Quy hoạch.
Cũng trong quá trình giám sát, với phương châm, “vướng đến đâu, gỡ đến đó”, các khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng bước nhìn nhận, tháo gỡ, các địa phương cũng tích cực đẩy nhanh tiến độ. Đẩy nhanh nhưng phải “chắc” ở tất cả các khâu như chất lượng tư vấn, thẩm định, tăng cường tham vấn các tổ chức quốc tế để chất lượng quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác theo quy định bảo đảm kết nối, phát triển và bền vững, đảm bảo chất lượng và khả thi...
Đoàn giám sát đã xây dựng đề cương yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo phục vụ giám sát. Đến nay, các cơ quan đã cơ bản gửi đầy đủ báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát, các báo cáo nhìn chung được xây dựng công phu, đánh giá sâu sắc, bám sát đề cương của Đoàn giám sát nhưng cũng có trường hợp báo cáo chưa đầy đủ. Quá trình giám sát, các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc tiếp thu và báo cáo bổ sung theo yêu cầu.
Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc với 11 Bộ và 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Và được đánh giá là hiệu quả, từ lựa chọn nội dung trúng và công phu, đổi mới căn bản được cách làm giám sát.
Báo cáo về những kết quả chính đã đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.
Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 07 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 01 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các Bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, để triển khai Luật Quy hoạch, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 03 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch.
Trong phiên họp sáng ngày 30/5, nhiều đại biểu quan tâm và góp ý kiến vào Luật Quy hoạch còn nhiều bất cập, hạn chế và đưa ra đề nghị cần được tháo gỡ kịp thời, đặc biệt là dự án treo, quy hoạch treo gây bức xúc cho nhân dân kéo dài.
Có đại biểu cho rằng, Luật Quy hoạch chưa thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống, chưa tạo điều kiện cho thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thậm chí còn có mặt kìm hãm sự phát triển vì chưa thu hút, phát huy các nguồn lực. Chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng tình, nhất là việc điều chỉnh quy hoạch trong phạm vi nhỏ, quy mô nhỏ liên quan đến việc triển khai các thủ tục đầu tư.
Do đó Quốc hội, Chính phủ cần phân cấp cho UBND hoặc là Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định vấn đề trên sau khi thống nhất với các bộ quản lý chuyên ngành nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, kiến tạo và thu hút nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị.