Người giữ nghề truyền thống tranh gò đồng
Tin tức 11/05/2018 10:40
Ông Phạm Ngọc Lâm, sinh năm 1940, tại Hải Phòng trong gia đình truyền thống văn hóa, khoa bảng. Cụ tổ là đại danh sư Phạm Quý Thích (có tên ghi trong bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Năm 1962 ông nhập ngũ, nhờ có năng khiếu hội họa được về Cục Chính trị Tổng cục Hậu cần làm phóng viên chiến trường rồi học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tốt nghiệp loại giỏi, ông Lâm về lại cơ quan, tham gia giảng dạy nhiều lớp bồi dưỡng hội họa của Tổng cục Hậu cần và hướng dẫn học viên nặn tượng tại một số trại sáng tác, mở phòng tranh trưng bày. Một lần triển lãm, Đại tướng Chu Huy Mân lúc ấy là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đến dự, khen ngợi người họa sĩ trẻ có nhiều triển vọng trong tương lai.
Tháng 9/1979, tranh của ông được trưng bày tại một triển lãm lớn ở Hà Nội, được Hội đồng nghệ thuật Quốc gia chọn 10 tác phẩm đưa vào Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Được khích lệ, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm chuyên sâu vào tranh gò đồng. Đây là lĩnh vực nghệ thuật đòi hỏi nhiều công phu, lại tốn kém nên số người đến với nó không nhiều.
Năm 1999, khi đưa tranh đi triển lãm tại Nhật Bản, bức gò đồng khổ lớn 2,5m x 2,10m trưng bày ở Okinaoa được đánh giá rất cao. Sau khi xem, nhà sử học người Nhật ngài Hirooaki Fukichi mời vợ chồng ông Lâm sang thăm Nhật. Hôm sang Nhật, trong phòng khách sang trọng, ngài Hirooaki nói với vợ ông Lâm: “Chồng bà không chỉ là quý nhân của bà, của Việt Nam mà của cả chúng tôi”. Ông Lâm đứng lên cảm ơn, hai người đàn ông ôm nhau thắm thiết. Chợt thấy hai tay ông bạn Nhật không bình thường, hỏi ra mới biết, trong cuộc biểu tình chống chiến tranh của người dân đảo Okinaoa, ngài Hirooaki bó hai tay mình tẩm dầu đốt, giơ cao, không cho phép Mỹ lấy căn cứ không quân trên đảo Okinaoa vào bắn phá Việt Nam. Câu chuyện làm họa sĩ cảm động rơi nước mắt, ông tặng ngài Hiroaki bức tranh này.
Họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Ngọc Lâm bên tác phẩm của mình
Năm 2006, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm có bức tranh vẽ rất nhiều xương cá chết nằm rải rác ven biển do nước thải công nghiệp xả thẳng ra biển. Bức tranh chỉ mang tính cảnh tỉnh, không ngờ, 10 năm sau thảm họa đó xảy ra tại ven biển 6 tỉnh miền Trung nước ta do Fomosa gây nên. Từ đó, ông nung nấu ý tưởng xây dựng tháp tượng đài “Trước biển”. Ông vẽ, lập dự án, đưa ra trưng bày lấy ý kiến Nhân dân. Ý tưởng táo bạo, kiến trúc hiện đại, mô phỏng kết cấu chuỗi hạt nhân nguyên tử của nhà bác học Genefor, mô tả một người đứng hướng ra biển, chân bước về phía trước, vươn tay gieo hạt, cao 333m tính từ mặt nước biển, chất liệu bằng thép hợp kim trắng. Ông cho tôi xem mô hình và bản đề án gửi trình Nhà nước và giải thích, tuy tốn kém nhưng lại có lợi ích lâu dài, đồng thời đó còn là cột mốc bảo vệ chủ quyền hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Anh Phạm Ngọc Dũng, con trai ông cũng là một họa sĩ vừa từ trại sáng tác về thấy khách của bố chào hỏi niềm nở. Ông cho biết, Dũng là người sẽ nối nghiệp nghề gia truyền gò đồng dòng họ Phạm. Dũng giới thiệu bức tranh mang tên “Giọt rừng” cùng cha gò mấy năm nhưng vẫn chưa thấy ưng ý nên phải tiếp tục. Bức tranh có hình con tê giác, đang nhỏ những giọt nước mắt chảy dài chạm đất, lo sợ nguy cơ diệt chủng vì nạn phá rừng của con người.
Họa sĩ Phạm Ngọc Lâm không được khỏe. Vết thương trong chiến tranh nhiều lần tái phát, nhất là cái u trên má trái do chất độc da cam biến chứng. Nay tuổi đã cao, lại bị bệnh tật nhưng ông vẫn không chịu rời dòng tranh gò đồng của dòng họ. Hàng chục năm nay, ông chỉ mong có được mảnh đất đủ để mở xưởng sản xuất và làm trại sáng tác nhằm truyền bá, lưu giữ ngành nghề, nhưng chưa thực hiện được. Còn dự án tháp tượng đài trước biển chỉ xem như là ước mơ xa xôi.
Ông Lâm là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội nghệ nhân Hải Phòng. Năm 2014, ông nhận Giải thưởng quốc gia - Cúp vàng phát triển bền vững vì sự nghiệp xanh Việt Nam. Được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam 2008. Năm 2016, ông được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú chuyên ngành gò đồng. Ông có vinh dự lớn, được đón Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Okinaoa, ngài Ettoku đến tận nhà riêng thăm gia đình và cũng là nơi nghệ nhân làm việc.
Bài và ảnh Lê Duy Sự