Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu 2025

Tin tức - Sự kiện 10/03/2025 17:44
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, đóng vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; được coi là "nóc nhà" của 3 nước Đông Dương. Với vị trí chiến lược quan trọng của Buôn Ma Thuột, tháng 3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm trận đánh điểm huyệt, đột phá - trận quyết chiến chiến lược, “phát pháo lệnh” mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khúc ca khải hoàn Chiến thắng Tây Nguyên 1975, Chiến thắng Buôn Ma Thuột - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, mãi luôn là niềm tự hào của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cũng như của cả nước.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi Lễ |
Trong 50 năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đạt 7%/năm; quy mô kinh tế mở rộng; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 74,7 triệu đồng/người. Cơ cấu các ngành kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực, đúng định hướng. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội được bảo đảm; chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên… Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực cũng như những thành tựu đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói chung, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng.
Phát huy tinh thần Chiến thắng Buôn Ma Thuột, để Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra; chú trọng giữ gìn và vun đắp tình đoàn kết thống nhất, trong sạch, vững mạnh trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk tập trung hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác; tập trung đổi mới mô hình kinh tế, phát triển hài hòa với bảo tồn, phát huy các giá trị môi trường, thiên nhiên, văn hóa bằng tư duy, tầm nhìn mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hạ tầng đồng bộ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, tỉnh Đắk Lắk cần giải quyết hài hòa mối quan hệ đất, nước, rừng để vừa phát triển vừa gìn giữ được những giá trị thiên nhiên nguyên sơ, phong phú, độc đáo của vùng đất Tây Nguyên; nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư dựa vào chính quyền số, xã hội số, quản trị hiệu quả; tận dụng lợi thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học của vùng Tây Nguyên; bảo vệ, gìn giữ, phát huy bền vững các giá trị văn hóa riêng có của cộng đồng 49 dân tộc anh em; phát triển du lịch bền vững; đẩy mạnh liên kết, giao lưu, hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng trên nhiều lĩnh vực; kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang cùng với những thành tựu to lớn đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát huy tinh thần Chiến thắng Buôn Ma Thuột, tiến bước vào kỷ nguyên mới, phát triển phồn vinh, ấm no, hạnh phúc.
Đọc diễn văn tại buổi lễ, Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, khẳng định tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn của Chiến thắng Buôn Ma Thuột: Tròn 50 năm trước, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên nhằm giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, tạo thế chiến lược mới trên chiến trường miền Nam, trong đó lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch. Đầu tháng 2-1975, Tỉnh ủy Đắk Lắk được phổ biến quyết định của Trung ương về việc chọn Buôn Ma Thuột làm trận đột phá mở màn chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành nhiều phiên họp bàn các biện pháp phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực; quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là các cấp ủy đảng về phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh trước thời cơ lịch sử.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đọc diễn văn |
Thực hiện nhiệm vụ nghi binh, tạo thế chiến dịch, từ đầu tháng 3/1975, Bộ tư lệnh Chiến dịch sử dụng Sư đoàn 968 hoạt động nghi binh ở khu vực Bắc Tây Nguyên, buộc Sư đoàn 23 của địch phải chuyển một bộ phận lực lượng từ Buôn Ma Thuột sang Kon Tum, Pleiku để đối phó. Ngày 4/3/1975, bộ đội ta chính thức nổ súng mở màn Chiến dịch Tây Nguyên. Từ ngày 4 đến ngày 9-3, quân ta đánh cắt tuyến giao thông trên các đường số 19, 21 (nay là Quốc lộ 26), cô lập Tây Nguyên, chia cắt đường số 14 để cô lập hai khu vực Bắc Tây Nguyên với Nam Tây Nguyên; lần lượt tiến công đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn, Đức Lập, cô lập triệt để thị xã Buôn Ma Thuột.
Theo đúng ý đồ chiến lược, khoảng 2 giờ sáng ngày 10/3/1975, Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên phát lệnh tất cả các hướng đồng loạt nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đến sáng ngày 11/3/1975, bộ binh, xe tăng và trọng pháo của ta tập trung đánh vào Sư bộ 23; địch chống trả quyết liệt, nhưng đến 10 giờ sáng, quân ta đã làm chủ các mục tiêu, chiếm lĩnh Sư bộ 23 của địch, bắt sống tên Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Buôn Ma Thuột và tên Đại tá Vũ Thế Quang, Sư đoàn phó Sư đoàn 23 của địch. Lực lượng của ta đã giải phóng và làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày 18/3/1975, Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do đồng chí Y Blốk Êban, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh làm Chủ tịch ra mắt trước 300 đại biểu nhân dân tại Đình Lạc Giao.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần yêu nước, cách mạng, đoàn kết một lòng, vùng lên chiến đấu giải phóng quê hương, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang. Chỉ trong 20 ngày trong tháng 3-1975, quân và dân của ta đã đánh bại và làm tan rã toàn bộ quân chủ lực của địch trên địa bàn Đắk Lắk và Tây Nguyên, hỗ trợ và tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt lực lượng địch ở cơ sở, phát động quần chúng nổi dậy làm chủ và giải phóng hoàn toàn 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh là Đắk Lắk, Quảng Đức, Phú Bổn với khoảng 400.000 dân.
![]() |
Chương trình văn nghệ tại buổi Lễ |
Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã buộc quân địch phải rút bỏ Tây Nguyên, lực lượng tàn quân tháo chạy cũng bị tiêu diệt gọn. Thất thủ ở Tây Nguyên, chính quyền Sài Gòn và cố vấn Mỹ bàng hoàng, sửng sốt, hoàn toàn bất ngờ và rơi vào thế bị động. Thắng lợi to lớn, toàn diện của trận đánh Buôn Ma Thuột đã tạo ra đột biến về chiến lược, tạo ra thế và lực mới để chúng ta giành thắng lợi từ bộ phận đến giành thắng lợi hoàn toàn, xuất hiện thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam nhanh hơn, chín muồi hơn. Đó là cơ sở để Đảng ta bổ sung quyết tâm chiến lược, rút ngắn thời gian kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm xuống còn 55 ngày đêm, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các hướng chiến trường nắm thời cơ, huy động toàn bộ lực lượng, mở ra chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ghi nhận, biểu dương những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng tỉnh danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. TP Buôn Ma Thuột được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu được xem phim tư liệu về Chiến thắng Buôn Ma Thuột, và thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt do Đoàn ca múa nhạc Đắk Lắk và Lữ đoàn Đặc công bộ 198 (Binh chủng Đặc công) dàn dựng, biểu diễn, tái hiện hào khí của Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến thắng Buôn Ma Thuột 50 năm trước.