Làng hiếu học Vũ Di, nơi ươm những chồi Xuân
Giáo dục 04/02/2022 07:08
Làng có nhiều đại khoa, nhiều nhà lãnh đạo
Nhà giáo ưu tú Lê Văn Cung, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Vũ Di, Xuân này ở tuổi 85 nhưng vẫn tích cực tham gia công tác khuyến học ở địa phương. Theo thầy Cung, khuyến học không chỉ là nhịp cầu giúp đỡ về tinh thần vật chất cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình hiếu học, mà còn là nơi giáo dục truyền thống hiếu học của cộng đồng, nêu gương những thế hệ hiếu học giỏi của ông cha, đỗ đạt ghi tên mình vào bảng vàng đạị khoa thời phong kiến, để con cháu noi theo trở thành những người có học vị, những lãnh đạo của các cấp, các doanh nhân, doanh nghiệp, người lao động có tay nghề cao. Đó là nguồn nhân lực quý để xây dựng gia đình hạnh phúc, đất nước mạnh giàu.
Trò chuyện cùng thầy Cung, chúng tôi hiểu thêm truyền thống hiếu học của huyện Vĩnh Tường nói chung và xã Vũ Di nói riêng.
Từ xưa người dân huyện Vĩnh Tường luôn tự hào là đất khoa bảng, có nhiều người đỗ đạt. Từ thế kỉ XV-XIX, phủ Vĩnh Tường có hơn 250 cử nhân nho học, riêng các bậc đại khoa danh hiệu tiến sĩ từ triều Lê đến triều Nguyễn, có 23 vị đỗ đại khoa ngạch văn, trong đó xã Vũ Di có 5 vị đại khoa được ghi tên tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Đó là các tiến sĩ Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Bá Dung, Nguyễn Đình Phương, Nguyễn Văn Tú và Lưu Túc. Hiện trong Văn chỉ của xã Vũ Di còn ghi danh 18 vị danh nhân đỗ đạt trong các khoa thi thời phong kiến, biểu thị truyền thống “tôn sư, trọng đạo” và hiếu học của Nhân dân trong làng.
Thầy giáo ưu tú Lê Văn Cung (thứ 5, hàng đầu từ trái qua). |
Từ năm Tự Đức thứ 20 (1867), ở Vũ Di đã có quy định, người nào đội ơn triều đình được ban sắc đỗ đại khoa, toàn xã mừng 1 bức trướng cùng 100 quan tiền. Ngày họ vinh quy về làng được dân làng đón tiếp nồng hậu với nghi thức long trọng, trở thành một sự kiện trong đại của làng, của tổng….
Truyền thống hiếu học ở Vũ Di được lưu truyền, gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác và ngày nay vẫn được phát huy rất hiệu quả. Tiêu biểu như dòng họ Lê có nhiều người là phó giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo, thầy thuốc ưu tú,… Như gia đình nhà giáo ưu tú Lê Văn Cung có 2 con là tiến sĩ, 1 là phó giáo sư, tiến sĩ; gia đình phó giáo sư, tiến sĩ Lê Quang Trung có 3 con là tiến sĩ…
Nhờ có sự hiếu học truyền thống của quê hương, con em xã Vũ Di có học thức, rèn luyện, trưởng thành, trở thành những cán bộ lãnh đạo ở các cấp. Đó là liệt sĩ Lê Xoay, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Tường năm 1938, Bí thư Ban Cán sự liên tỉnh Vĩnh Yên - Phúc Yên; tiếp đó là những người từng giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện: Lê Đình Quảng, Nguyễn Văn Mạnh, Lê Minh Thịnh, Lê Nguyễn Thành Trung. Hay Tiến sĩ Lê Duy Thành hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Ban Khoa giáo Trung ương, Tiến sĩ Lê Đình Khiêm, nguyên Phó Bí thư khối Nội chính Trung ương; thiếu tướng Lê Minh Thái, Phó Giám đốc Học viện quân sự.
Con cháu hiếu học tài sản vô giá
Nhiều năm đảm nhận vai trò là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Vũ Di, nhà giáo ưu tú Lê Văn Cung cho biết, công tác khuyến học, khuyến tài luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, chính quyền địa phương, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn quyên góp, ủng hộ kinh phí để thực hiện công tác khuyến học trên địa bàn. Năm 2020 xã Vũ Di được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3, thành tích của địa phương được xây dựng từ nền móng vững chắc từng gia đình trong cộng đồng làng xã.
Ông Phí Văn Liệu, Trưởng phòng Văn hóa huyện Vĩnh Tường kể: Xưa ở Vũ Di có gia đình Hoàng Giáp, thượng thư bộ Hộ Nguyễn Văn Chất và Tiến sĩ Thừa Chánh sứ Nguyễn Văn Tú, cả hai cha con đều đỗ Đại khoa, Ngày nay, gia đình thầy Cung cũng là một gia đình hiếu học điển hình. Trong những năm giữ trọng trách Hiệu trưởng trường cấp 1 của xã, thầy Cung vừa công tác vừa đi học tại chức để có bằng đại học. Noi gương cha, 3 người con trai của thầy Cung đều có học vị cao, Lê Minh Thái là PGS-TS, năm 2002 được chọn là 1 trong 10 gương mặt xuất sắc nhất cả nước, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, kế đến Lê Duy Thành và Lê Duy Mỹ là tiến sĩ. Nhờ sự hiếu học của gia đình, vươn lên trong khó khăn, cả 5 con trai của thầy Cung đều là những người thành đạt. Anh cả Lê Minh Thường, Phó Giám đốc Sở Công Thương của tỉnh đã nghỉ hưu; anh thứ là Lê Minh Thịnh, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Tường đã nghỉ hưu; tiếp đến Lê Minh Thái, Phó Giám đốc Học viện Quân sự; Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Lê Duy Mỹ, doanh nghiệp giỏi ở nước ngoài…
Ông Liệu cho rằng: Gia đình thầy Cung, đó là một gia đình hiếu học, con cháu thành đạt vẻ vang, hiếm có ở huyện Vĩnh Tường.
Chia sẻ với chúng tôi truyền thống hiếu học của gia đình, thầy Cung kể: “Bố tôi chỉ có tôi là con trai, nhà nghèo nhưng cụ quyết cho con đi học có chữ nghĩa hiểu việc đời giúp ích cho gia đình và xã hội. Đến đời tôi có 8 người con (5 trai 3 gái), tôi nghèo tiền nghèo của, nhưng giàu con, các con tôi lại giàu kiến thức, tất cả đều có trình độ đại học. Ngày ấy vợ chồng tôi phải gồng mình nuôi các con ăn học đó là những năm tháng chống Mỹ, gạo không đủ ăn, nồi cơm trộn ngô, trộn chuối, cha mẹ và các anh chị lớn chủ yếu ăn độn nhường những bát cơm ít ỏi cho các con nhỏ. Ngoài thời gian dạy học, tôi cũng không nề hà việc nhà, việc đồng áng giúp vợ con. Tôi còn nhớ, khi các con còn nhỏ có bài toán khó cả 5 anh em cùng lao vào tìm lời giải. Bức ảnh các con tham gia đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh và quốc gia là những kỉ vật quý gia đình tôi lưu giữ. Thương các con hiếu học, đồng lương giáo viên ít ỏi nhưng tôi không tiếc việc mua sách vở, tài liệu học tập cho các con. Cái ngày gian khổ ấy cũng đã qua, nếp nhà thanh hàn và sự hiếu học là cái gốc kiến thức và nhân phẩm cho các con tôi hôm nay thành đạt.
Các con tôi có chữ nghĩa hiểu được tình người, gia đình tôi một nếp nhà nhưng thờ cúng 3 họ. Bên ngoại bố mẹ vợ của tôi có người con trai là liệt sĩ, em dâu đi bước nữa, chúng tôi đón người con gái của cậu về nuôi, cháu bị thiểu năng đến nay vẫn ở với gia đình tôi. Khi bố mẹ vợ tôi ốm qua đời, vợ chồng tôi chăm sóc, chôn cất và lo thờ cúng bố mẹ gia đình bên ngoại. Bên nội, tôi có người chú họ, có con trai là liệt sĩ con gái đi lấy chồng xa, lúc chú thím ốm đau, qua đời, vợ chồng tôi cũng chăm sóc lo tang gia như bố mẹ mình và thờ cúng nhánh họ của gia đình chú. Bây giờ các con tôi trưởng thành có tâm có hiếu, 16 con trai và con dâu, góp công, góp sức, xây dựng nhà thờ gia tộc 3 họ tại nhà tôi là vậy”.
Nhà giáo ưu tú Lê Văn Cung, tự hào nói với chúng tôi, tài sản vô giá của gia đình thầy là sự hiếu học và thành đạt của các con, vượt khó vươn lên từ một gia đình thầy giáo nghèo, trở thành các công dân có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Chúng tôi chia tay với thầy giáo Lê Văn Cung, tạm biệt đất hiếu học Vũ Di vào những ngày cuối năm 2021. Ngoài kia mùa Xuân mới đang về, mùa Xuân Nhâm Dần này người dân thành Tam Đái thuở xưa (nay là đất Vũ Di), đang cùng cả huyện chuẩn bị kỉ niệm 200 năm - mùa Xuân năm Nhâm Dần 1822 Vua Minh Mạng cho đổi tên vùng đất Tam Đái thành phủ Vĩnh Tường, danh xưng này vang lên từ ấy.