Gắn kết và chủ động thích ứng trở thành “thương hiệu” của ASEAN
Sự kiện 09/09/2020 16:19
AMM 53 và các Hội nghị liên quan được tổ chức từ ngày 9-12/9/2020 có sự tham gia của 27 đoàn thuộc 4 châu lục với các múi giờ khác nhau. Trong khuôn khổ sự kiện, khoảng 20 hội nghị, phiên họp cấp Bộ trưởng sẽ diễn ra như: AMM 53; Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các đối tác (PMC + 1) gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Canada, EU; Hội nghị Bộ trưởng ASEAN + 3 lần thứ hai; Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10; Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27. Khoảng 40 văn kiện sẽ được xem xét, ghi nhận và thông qua tại Hội nghị. Đáng chú ý là Thông cáo chung của AMM 53, Kế hoạch hành động Hà Nội II của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) nhằm định hướng cho hoạt động và hợp tác ARF giai đoạn 2020-2025, Tuyên bố Hà Nội kỉ niệm 15 năm thành lập Cấp cao Đông Á (EAS). Các hội nghị bộ trưởng khác như PMC + 1, ASEAN + 3, EAS, ARF... sẽ có Tuyên bố Chủ tịch về kết quả chính của từng hội nghị. Cũng trong dịp này, các Bộ trưởng sẽ thông qua một số Kế hoạch mới cho giai đoạn 2021-2025 với các đối tác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu. Ảnh Thống NhấtTTXVN |
AMM 53 và các Hội nghị liên quan là một trong những đợt Hội nghị quan trọng nhất trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Hội nghị diễn ra bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp bởi cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, căng thẳng gia tăng ở một số điểm nóng; dịch COVID-19 diễn ra phức tạp với những làn sóng lây nhiễm mới gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của các nước thành viên ASEAN.
“Gắn kết và chủ động thích ứng” không chỉ đơn thuần là chủ đề của năm 2020 mà điều đó cùng với tinh thần chủ động và trách nhiệm đã trở thành một “thương hiệu” của ASEAN, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này trong phát biểu tại lễ khai mạc. “Thương hiệu” vượt khó đã được khẳng định rõ trong hơn 8 tháng qua, thể hiện qua các cam kết ở cấp cao nhất mà lãnh đạo ASEAN đã thông qua tháng 4/2020 tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN, ASEAN+3 và tháng 6/2020 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36; là nỗ lực của các Trụ cột Cộng đồng hợp tác, mở rộng liên kết, thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh phát triển vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thủ tướng đánh giá cao việc các cơ quan của ASEAN đã đưa cả bộ máy vào cuộc, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh và người dân ổn định đời sống. Những sáng kiến như lập Quỹ ứng phó COVID-19, lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, xây dựng Quy trình chuẩn ứng phó dịch bệnh và thúc đẩy Phục hồi tổng thể, không chỉ giúp chúng ta vượt qua dịch bệnh, mà còn là chất keo gắn kết các nước thành viên…
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN dự hội nghị trực tuyến. Ảnh Lâm KhánhTTXVN |
Chỉ còn 4 tháng nữa năm 2020 sẽ khép lại, thời gian không còn nhiều, dịch bệnh tiếp diễn rất phức tạp, người dân và doanh nghiệp đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề quá sức; môi trường kinh tế, địa chính trị khu vực, bao gồm cả Biển Đông, đang có nhiều biến động mạnh, tác động tới hòa bình, ổn định. Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN quan tâm thúc đẩy những ưu tiên: Một là, tiếp tục đề cao đoàn kết, giữ vững thống nhất, triển khai thành công các kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Kịp thời đánh giá, nâng cao hiệu quả triển khai Hiến chương ASEAN, bộ máy ASEAN, làm cơ sở hoạch định tầm nhìn phát triển cho ASEAN sau 2025.
Hai là, tập trung đẩy lùi dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi bền vững, sử dụng hiệu quả Quỹ ứng phó COVID-19 và đưa vào vận hành Kho dự phòng vật tư y tế cho hỗ trợ năng lực ứng phó của ASEAN. Nhanh chóng giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Ba là, phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin tại khu vực; từ đó hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng, tin cậy, bình đẳng trong quan hệ giữa các quốc gia khu vực, các đối tác; giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và tinh thần các văn kiện quy chuẩn của ASEAN về ứng xử chung ở khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tiếp nối nỗ lực của ASEAN những năm trước, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh kết nối, phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và đồng đều, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Xác định nguy cơ dịch bệnh COVID-19 còn thường trực, một mặt chủ động kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh thông qua nỗ lực ngăn ngừa lây nhiễm, phát triển vaccine và thuốc điều trị tiếp cận rộng rãi với người dân, mặt khác, cần triển khai ngay các biện pháp hiệu quả hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả của dịch bệnh, từng bước phục hồi nền kinh tế và ổn định đời sống xã hội.
ASEAN sẽ tiếp tục tham gia đóng góp và phát huy vai trò trong các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Kiên định với lập trường nguyên tắc, nhấn mạnh kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. ASEAN thúc đẩy triển khai đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố DOC và nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển UNCLOS 1982.