Đại biểu Quốc hội đề nghị cần sớm khắc phục, hoàn trả
Sự kiện 27/10/2023 13:35
31 tuyến đường hư hỏng nặng
Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn đi qua tỉnh Thanh Hoá có tổng chiều dài là 98,8 km qua địa phận 9 huyện, thị xã, thành phố gồm Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn.
Trong đó, bao gồm 3 dự án thành phần: (1) dự án Mai Sơn - Quốc lộ.45 chiều dài 49,02km/63,37km do Ban Quản lý dự án Thăng Long quản lý; (2) dự án QL.45 – Nghi Sơn chiều dài 43,28km/43,28km do Ban Quản lý dự án 2 quản lý; (3) dự án Nghi Sơn - Diễn Châu chiều dài 6,5km/50km do Ban Quản lý dự án 6 quản lý.
Tuyến đường địa phận xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống xuống cấp, hư hỏng nặng do quá trình thi công đường cao tốc gây ra. Ảnh chụp ngày 26/10/2023. Ảnh: Vân Lê |
Cho đến nay, dự án đã thông xe, đưa vào sử dụng đối với toàn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hoá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, trên địa bàn toàn tỉnh có 31 tuyến đường gồm: 12 tuyến tỉnh lộ và 19 tuyến đường do huyện, xã quản lý để phục vụ vận chuyển vật liệu, thiết bị thi công đã bị hư hỏng nghiêm trọng, khiến cho cuộc sống của người dân sở tại và người tham gia giao thông vô cùng bất an, cơ cực, tai nạn giao thông rình rấp bất cứ lúc nào.
Qua theo dõi, tổng hợp của các cơ quan liên quan tại địa phương tỉnh Thanh Hóa, đến nay chưa sửa chữa, khắc phục các tuyến đường phục vụ thi công với tổng chiều dài là 92,17km, trong đó các tuyến đường tỉnh là 63,31 km và các tuyến đường huyện là 28,86 km. UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tại địa phương đã nhiều lần làm việc với các Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công để đề nghị khắc phục, sửa chữa, nhưng đến nay việc sửa chữa, khắc phục vẫn không được triển khai thực hiện theo đúng cam kết.
Tỉnh lộ 525, đoạn qua xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống ổ voi, ổ trâu dày đặc, thậm chí biến thành ao khi trời có mưa đọng nước. Lúc trời tạnh ráo thì bụi bặm mù mịt nguy cơ mất an toàn giao thông trầm trọng. |
Về vấn đề trên, ông Lại Thế Nguyên, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa đã nhận được rất nhiều phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh về các vấn đề liên quan tới việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng, trả lại nguyên trạng các tuyến đường, đê phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam. Ban Quản lý các dự án thành phần thuộc Bộ Giao thông vận tải đã ký kết Biên bản cam kết sử dụng, hoàn trả các tuyến đường của địa phương sử dụng phục vụ thi công dự án sau khi không còn nhu cầu sử dụng nhưng đến nay vẫn không thực hiện.
Việc các tuyến đường không được sửa chữa, khắc phục kịp thời nên tiếp tục hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, nguy cơ tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là vào ban đêm, gây bức xúc cho cử tri và Nhân dân trên địa bàn. Thậm chí có nơi tại huyện Nông Cống nhân dân quá bức xúc vì đường tan nát, hư hỏng nên đã nhiều lần dựng rào chắn ngăn cản không cho phương tiện qua lại.
Từ khi công trình cao tốc khởi công, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư, các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng nhưng việc cam kết đến nay vẫn không được thực hiện, trong khi đường xá ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Các địa phương tại Thanh Hóa cũng đã có nhiều cuộc họp với Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải, cùng các nhà thầu nhưng đến nay đường vẫn chưa thấy bố trí kinh phí, nguồn lực khắc phục, làm mới lại các tuyến đường, ông Lại Thế Nguyên nói.
Cần áp dụng chế tài pháp luật để xử lý
Dư luận tại Thanh Hóa cho rằng, sau bao nhiêu năm chính quyền và nhân dân phấn đấu góp công, góp của xây dựng để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhưng từ khi dự án đường cao tốc Bắc – Nam thi công đã khiến cho hệ thống đường xá, cầu cống, kênh mương... bị chia cắt, hư hỏng nhưng chậm được khắc phục, sửa chữa thì chẳng khác nào phải quay trở lại thuở ban đầu xây dựng nông thôn mới là khó có thể chấp nhận được.
Trước đây, người dân thôn Vạn Thành, xã Thăng Long, huyện Nông Cống nhiều lần bức xúc vì tỉnh lộ 505B xuống cấp, hư hại nhưng chậm được khắc phục, hoàn trả nên dựng rào chắn cản trở giao thông. Ảnh chụp ngày 6/10/2023 |
Bên lề kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, nếu chủ đầu tư, các nhà thầu tham gia xây dựng các tuyến đường giao thông mà gây ra tình trạng đường dân sinh, tỉnh lộ xuống cấp nhưng không chịu tu sửa, hoàn trả làm mới như dự án xây dựng cao tốc Bắc – Nam thì cần phải áp dụng các biện pháp chế tài xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Giao thông Vận tải cần sớm khắc phục, hoàn trả lại các tuyến đường dân sinh bị hư hỏng do quá trình thi công đường cao tốc gây ra không chỉ tại Thanh Hóa mà còn ở các địa phương khác trên cả nước.
ĐB Lê Thanh Vân đề nghị áp dụng chế tài pháp luật nếu không khắc phục, hoàn trả đường cho nhân dân đi lại |
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ đầu tư chưa đánh giá kỹ tác động và dành một phần kinh phí của hợp đồng đã ký với các nhà thầu để sửa chữa, khắc phục đường mượn của địa phương bị hư hỏng, xuống cấp.
“Không thể cứ đường cao tốc làm xong, đường dân sinh, đê điều hư hỏng, xuống cấp lại bị bỏ mặc kéo dài, khiến cho cuộc sống của nhân dân cơ cực, bất an, cử tri khắp nơi bức xúc. Do đó cần phải xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.