Đặc sắc
Tin tức 09/03/2018 10:50
Các tác giả của Hương Hồng Xiêm 2012 - 2017 chủ yếu là cựu chiến binh, vợ bộ đội, cựu giáo chức và những người hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, kinh tế... yêu thơ. Ngoài các thi huynh, thi hữu đã có tác phẩm xuất bản độc lập từ những năm đầu thập kỉ hiện thời, như Phạm Trường Nguyên-Uỷ viên Hội đồng sáng lập và điều hành Thi đàn Việt với Một nét xuân - NXB Văn học 2011; Chủ nhiệm Vũ Khắc Nhượng với Những khoảng trời xanh - NXB Văn học 2012; Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Phiêu với Đi qua mùa nắng - NXB Quân đội nhân dân 2013, số còn lại đều đã xuất bản thơ văn, in chung hoặc riêng.
Hương Hồng Xiêm bắt đầu với Trang thơ hội viên, gồm 216 bài, chủ đề và thể loại khá phong phú. Những xúc cảm thẩm mĩ về Đảng, Bác Hồ, người có công với Tổ quốc và dân tộc qua các thời kì lịch sử được đề cập xứng đáng. Thơ trữ tình khắc họa hình tượng tình yêu lứa đôi, đất nước, con người chiếm số lượng lớn (hơn 150 bài). Thơ luận về nhân sinh, tuy ít nhưng đủ để tác động đến người đọc về nhân tình thế thái. Thơ nói về "tình thơ" rộ nở như "chim xuân thấy mùa"...
Đọc Hương Hồng Xiêm, ta gặp các "kĩ sư tâm hồn" trên mặt trận văn hóa giáo dục, với những hồn thơ phản ánh hiện thực, lấp lánh hoài niệm. Bên cạnh Phạm Trường Nguyên gần gũi với quê hương, gia đình và giàu triết lí: Cùng hạt gạo - Thành bữa cơm/ Nuôi sống ta - Từ bao đời/ Trên bùn nước - Vươn rộng ra/ Mãi tới già - Mới nảy hoa. Nhà giáo Nguyễn Bình trải lòng qua thơ cũng để cảm thông với người làm thơ: Tản Đà - Ông hỡi có hay/ Bao năm mà vẫn còn đầy bão dông? Đào Bích Mười từ tuổi hồng đã chép vào sổ tay: Thơ là tình cảm trắng trong/ Thơ là mộng của lứa tuổi/ Thơ rực ánh hồng!, có niềm say mê nhất là truyền cho học sinh vẻ đẹp của thơ. Tác giả Kim Thanh, từ miệt mài gieo chữ, riêng chung một gánh nghĩa nhân vẹn tròn, đến Chiều nghiêng, bóng xế vẫn còn yêu thơ. Ca nương Nguyễn Thị Thanh Thủy, tâm hồn thấm đậm những lời ca trù đã đồng thời hoàn thiện thơ mình - Con đường thơ, bạn mà say/ Tình thơ, tình bạn hôm nay mặn nồng.
Thơ của các cựu chiến binh trong Hương Hồng Xiêm vẫn đậm chất lính - "Nổi chìm cuộc sống ước mơ vui buồn", trên trận tuyến mới, chấp nhận cái Khắt khe thi phú văn chương/ Cũng mong có được chút hương dâng đời (Đinh Xuân Chi - cán bộ an ninh). Ta gặp Vũ Khắc Nhượng-Phó Giám đốc Thi đàn Việt, đã từng ghi nhật kí bằng thơ trên đường hành quân, để rồi: Chân lí cuộc đời nhận ra từ lòng đất/ Cái chết cận kề, sự sống lại sinh sôi. Nguyễn Văn Phiêu - cảm xúc và ngôn từ lay động lòng người: Mùa Thu trở mình/ Vàng rộm màu hoa cúc/... cồn cào lá rụng/ Vẩn vơ buồn như đang trông/ Lẻ loi cánh buồm/ Hờ hững gặp dòng sông... Tiến sĩ sử học Vương Văn Hòa, thơ với sử nặng duyên tơ, từng làm cho bạn đọc bâng khuâng: Mưa rơi, triệu hạt mưa rơi/ Đếm mưa tôi nhớ đến người năm xưa/ Làm đồng giữa buổi ban trưa/ Tôi cùng người hứng nước mưa gội đầu. Ta cũng gặp ở đây chất hùng anh và lãng mạn: Yêu đời chớ mất niềm tin/ Ngẩng cao đầu bước, mắt nhìn gần xa (Nguyễn Xuân Dũng). Coi thơ là một đóa hoa thơm: Để ai sáng ngóng, chiều trông/ Đêm về thao thức cùng mong ngóng hoài (Nguyễn Ngọc Liên). Hay, Lời ru cánh võng vơi đầy, Hương cau, hương bưởi, hương chanh/ Thăng trầm cơm áo ngát thành quê hương (Đỗ Minh Tuấn). Và một Trần Quang Thành vào chiến trường bằng đôi tay bám chắc vô lăng chiến xa, thành ra Những ngón tay vuông (Truyện, NXB Đại học Thái Nguyên). Ông đã dùng thơ để làm cho truyện ngắn bớt khô khan...
Hương Hồng Xiêm có "Nàng Vọng Phu không hóa đá" Nguyễn Thị Ngọc Dậu. Người chồng - liệt sĩ đã giúp bà hóa giải nỗi đau thành tình thơ đẹp vô ngần, đậm nghĩa sắt cầm chung thủy: Người ta say rượu, say tình/ Còn em, em cứ say mình thơ ơi!/ Gặp nhau ở hội sân chơi/ Chọn vần thả tứ giữ lời sắt son.
Nói về Trang thơ hội viên, sẽ là khiếm khuyết nếu không kể đến các tác giả: Nguyễn Thị Nga-suy nghĩ giản dị mà đẹp: Đệ huynh, tỉ muội thân tình/ Mươi câu lục bát duyên mình nên thơ, đã góp vào tuyển tập 21 bài thơ; Ngô Đình Thảo - thơ, đời luôn gắn bó như sự luân chuyển của vũ trụ, bài Thăng Long của ông nói về phố phường Hà Nội khá lí thú; Hoàng Văn Tuấn-Thơ rèn trí luyện tâm, chắp cánh cho tâm hồn để đi tìm chân, thiện, mĩ: Nhiều đêm thao thức mộng mơ/ Gieo vần kết chữ cho thơ đượm tình.
Bên cạnh trang thơ hội viên là Trang thơ họa. Ta gặp ở đây nhóm Xuân Thi Xuân Đỉnh "tứ nam nhất nữ": Phạm Trường Nguyên, Vũ Khắc Nhượng, Nguyễn Văn Phiêu, Đỗ Minh Tuấn và Đào Bích Mười. Với 6 bài thơ (Mùa Xuân mới, Mừng Thi đàn Việt, Khát vọng, Sang mùa, Lắng nghe mùa thu, Tiễn biệt người đi), xướng - họa đẹp như "Phu xướng phụ tùy", làm cho thi phẩm thêm lịch lãm và quyến rũ.
Trang thơ bạn trong Hương Hồng Xiêm với những: Bàn tay chưa kịp chia xa/ Bóng em đã khuất nhạt nhòa xa xôi (Muốn mưa - Trương Bá Lương-Giám đốc Thi đàn Việt), Khói trắng sương mờ che dấu cũ/ Biếc xanh hồn sáng ẩn dòng sâu (Thăm thành cổ Quảng Trị - Phạm Minh Khôi-Phó Giám đốc Thi đàn Việt)... Ta cũng gặp ở đây những Cảm xúc đêm hành quân (Lưu Đức Bảo), Đào nhắn mận về kẻo mận quên/... Tuyết phủ sương sa dạ chẳng phiền (Tình khúc bốn mùa - Nguyễn Huynh). Hai câu lạc bộ đất Hà thành: Mạnh Trữ (Chu Phan, Mê Linh) và Thi đàn Việt Minh Quang (Ba Vì) với 10 bài thơ, đã làm cho Hương Hồng Xiêm thêm đậm đà: Ai trao vị ngọt tình yêu/ Để ai nhớ sớm, mong chiều hỡi ai (Ngô Thị Phúc - Trăng thề thuở xưa), Mười lăm thi hữu tuyển thơ Hương Hồng Xiêm: Bát ngát bờ nhân sinh" (Nguyễn Hồng Minh - Cảm tác về Thi đàn Việt Xuân Đỉnh, 2014).
Trong Hương Hồng Xiêm, thơ tuyển 2012 - 2017, có biết bao điều hay và mới mẻ - Món quà đầu Xuân đậm đà tình thơ của Thi đàn Xuân Đỉnh gửi tới người yêu thơ mọi miền đất nước...
PHẠM XƯỞNG