Có nên theo đuổi công nghiệp phụ trợ
Kinh tế 20/03/2024 10:28
Nhiều năm qua chúng ta có không ít chủ trương, nghị quyết, chiến lược, bước đi, kèm theo là các chính sách ưu đãi, hiến kế của các chuyên gia, giao lưu, học hỏi... về CNPT. Tất thảy mọi nỗ lực đều nhằm tạo bệ đỡ cho CNPT “cất cánh”. Nhờ đó, CNPT khởi sắc, nhất là trong những ngành sản xuất chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, ô tô, xe máy, chế biến nông sản... bước đầu hình thành hệ sinh thái CNPT và hệ quả là gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trong một số sản phẩm.
Tuy vậy, trước đà thần tốc của cách mạng công nghiệp thế giới 4.0, trong khi trình độ công nghệ của ta ở cấp độ “chấm” nào cũng có, đã thế nơi nắn nót chữ nghĩa, chốn dềnh dàng quy trình, thành thử độ chênh giữa trình độ Việt Nam với cao trình thế giới dường như không thu hẹp mà còn thêm xa. Vừa qua, dù được cam kết hỗ trợ sản xuất chíp nhưng xem ra hành trình từ nay đến ngày ra được chíp Made in Việt Nam còn trần ai, lúc đó chíp thế giới đã thành siêu chíp...
Sự ì ạch của CNPT là bởi nhiều nguyên nhân, trong khi đó để phát triển cần tối thiểu 3 điều kiện là: Vốn - công nghệ - nhân lực. Soi ba điều kiện này với doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu và yếu vì hầu hết thuộc diện vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong đó đặc biệt về vốn bởi đây là một lĩnh vực đầu tư cần nhiều vốn nhưng dễ rủi ro trong khi dung lượng thị trường với các sản phẩm CNPT trong nước vẫn còn khá nhỏ. Có thể nhập khẩu (NK) công nghệ mới nhanh nhất, song nguồn nhân lực thì không thể tức thì. Lớp trẻ ngày nay khi học ngang ngửa quốc tế song đến lúc hành thì không như ý. Đó là chưa kể ma trận thủ tục dù quanh năm quyết tâm tháo gỡ.
Lẽ thường sẽ là tiếp tục triển khai các chiến lược đã được vạch ra bằng nỗ lực cao, từng bước giải quyết các yêu cầu đặt ra để CNPT đáp ứng nhu cầu sản xuất, chủ yếu hàng XK. Nhưng như vậy phải tiếp tục đuổi theo cao trình của thế giới trên ba mặt công nghệ - phẩm chất - giá thành, sẽ nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.
Song với tư duy thực tế, nên chăng trong thế giới phẳng, phân công và hợp tác quốc tế cần sâu rộng. Từ lâu chẳng một hãng sản xuất nào “tự túc” mọi nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện... để tạo thành sản phẩm mà đều dựa vào mạng lưới cung cấp chuyên sâu từng chi tiết, chính là tận dụng thành quả trí tuệ nhân loại.
Về phía các nhà cung cấp CNPT đều dựa trên các lợi thế cạnh tranh, tính liên kết toàn cầu được thiết lập ngay từ khi khởi sự. Việc các quốc gia phải NK nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện, thậm chí trong mỗi nước dùng các thứ đó của nhau là bình thường. Ta có thể thừa hưởng thành quả của thế giới, không cần mò mẫm chế tạo bằng mọi giá. Nên chăng chỉ chọn một số lĩnh vực tương thích với hàm lượng trí tuệ đang có và sắp tới, nghiên cứu ứng dụng những sáng chế của thế giới, không mặc cảm là đại công trường lắp ráp, gia công, chấp nhận NK các sản phẩm CNPT từ mọi xuất xứ miễn là phù hợp và những công đoạn lâu nay tự làm để cuối cùng có được “tác phẩm” tương tự nước ngoài. Được vậy sẽ khỏi lo giá trị gia tăng thua thiên hạ.
Đồng thời phát huy vị thế địa lí trong vùng nhiệt đới, gió mùa, có nền văn minh lúa nước, từ đó học tập các nước có ngành nông nghiệp tiên tiến, ứng dụng các thành tựu về công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, tạo dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại. Tôn tạo cảnh quan thiên nhiên ban tặng, nâng cấp cở sở hạ tầng, kết hợp với nghệ thuật ẩm thực, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc..., để có nhiều đặc sản du lịch, thân thiện với môi trường.
Những nước công nghiệp phát triển đương nhiên thuộc TOP giàu sụ. Song các nền kinh tế tận dụng thành tựu của thế giới để có được nông nghiệp đỉnh cao, du lịch siêu hạng... đâu có kém cạnh.