Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật

Tin tức - Sự kiện 07/02/2022 07:38
![]() |
Lễ hội gò Đống Đa (thuộc quận Đống Đa- Hà Nội) hằng năm diễn ra vào ngày mồng 5 Tết Nguyên đán (5/1 âm lịch) |
Lấy cớ Lê Duy Kỳ cầu viện1
Quân Mãn Thanh xâm chiếm nước ta
Động binh ầm ĩ gần xa
Hai mươi chín vạn tràn qua biên thùy2
Chúng hí hửng ý đồ bành trướng
Chúng mưu toan chiếm đóng lâu dài
Dã tâm cướp nước phơi bày
Giả danh phù trợ, vung tay bạo cường3
Ngô Thì Nhậm chủ trương phù hợp
Lui binh về Tam Điệp an toàn4
Tốc hành ngựa trạm băng ngàn
Báo tin cho Bắc Bình Vương kịp thời.
Để thuận với cơ trời dâu bể
Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi
Phú Xuân khí thế ngất trời
Quang Trung hoàng đế sáng ngời nghĩa nhân
Hào hùng Hịch đánh Thanh vang dội5
Triệu triệu người phấn khởi, hân hoan
Đánh cho phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử biết nước Nam anh hùng
Muôn tướng sĩ bừng bừng dũng khí
Sáng niềm tin chiến thắng xuất quân (22/12/1788)
Quân đi liên tục không dừng
Hai người cáng một xuyên rừng ngày đêm6.
Đến Nghệ An tuyển thêm binh lực
Hàng vạn người nô nức tòng quân
“Anh đi theo Chúa Tây Sơn”7
Diệt thù cứu nước chẳng sờn gian nan!
Nơi Tam Điệp vững vàng đội ngũ
Truyền cơ mưu đánh đuổi ngoại xâm
Phen này quét sạch giặc Thanh
Hoàn toàn thắng lợi chỉ trong 7 ngày!
Hẹn tướng sĩ đến mồng 7 Tết8 (Tết Kỷ Dậu 1789)
Vào Thăng Long mở tiệc liên hoan
Lời Vua dõng dạc truyền vang
Đêm 30 Tết tiến quân 5 đường. (30 Tết Kỷ Dậu 1789, tức ngày 25/1/1789)
Giữ bí mật, khẩn trương, thần tốc
5 đạo quân tiến gấp, tiến nhanh
Quyết tâm công phá hãm thành
Đánh nhanh, diệt gọn, phục binh sẵn sàng
Bày thế trận triệt đường ứng cứu
Vững đội hình ngăn lối rút quân
Vòng đường bộ, vượt đường sông
Hiệp đồng chặt chẽ, tấn công kiên cường.
Trung quân có ngựa cùng voi chiến
Vua thân chinh thẳng tiến Thăng Long9
Văn Lân, Văn Sở tiên phong10
Diệt đồn trại giặc phía Nam kinh thành.
Đô đốc Tuyết hành binh cấp tốc
Vòng biển đi vào Lục Đầu giang
Diệt đồn ngụy tại Hải Dương (quân của Lê Chiêu Thống)
Sẵn sàng thế trận chặn đường rút quân.
Đô đốc Lộc chiếm vùng Phượng Nhãn (nay thuộc tỉnh Bắc Giang)
Đảm nhiệm tiêu diệt bọn tàn binh
Cũng theo đường thuỷ tiến nhanh
Khẩn trương bố trí phục binh đón đầu.
Đô đốc Bảo tiến vào Đại Áng (thuộc tỉnh Hà Tây cũ)
Với kỵ binh, voi chiến oai hùng
Kịp thời hiệp sức trung quân
Bất ngờ phối hợp tấn công Ngọc Hồi.
Đô đốc Long vượt đồi Chương Đức
Đem quân lên Nhân Mục (Sơn Tây)
Đồn Khương Thượng phải diệt ngay
Khuếch trương đánh chiếm vùng tây kinh thành.
Đêm trừ tịch, trung quân phát hoả (Đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu 1789)
Đập tan đồn Gián Khẩu đầu tiên
Đánh nhanh diệt gọn trong đêm
Các đồn trại giặc bên sông Nguyệt Hà (sông Nguyệt Quyết)
Bọn do thám bị ta bắt hết
Giặc các nơi nào biết bại vong!
Tôn Sĩ Nghị ở Tây Long11
Còn đang nâng chén rượu xuân mơ màng…
Mồng ba Tết, Quang Trung tiến đánh
Đồn Hà Hồi nhanh chóng vỡ tan (cách Thăng Long 20km)
Giặc Thanh khiếp đảm đầu hàng
Quân ta tinh nhuệ giỏi giang tuyệt vời.
Bừng khí thế long trời lở núi
Đạo trung quân xốc tới Ngọc Hồi (cách Thăng Long 14km)
Rần rần sĩ khí sục sôi
Phô trương thanh thế, liên hồi nghi binh
Thu hút bọn giặc Thanh chống đỡ
Bộc lộ nhiều sơ hở phía tây
Mắc mưu chẳng kịp trở tay
Dụng binh lừa địch kế hay như thần12!
Thừa cơ, Đô đốc Long tập kích
Quân xâm lăng lớp chết lớp hàng
Giặc đồn Khương Thượng kinh hoàng13 (về sau được gọi là Đống Đa)
Thế ta như thể lũ tràn triều dâng
Nhân dân cũng dốc tâm hợp sức
Đốt lửa lên cháy rực chung quanh14
Lửa hờn thiêu cháy giặc Thanh
Như hàng rào lửa bao quanh khắp đồn
Sầm Nghi Đống hoảng hồn kinh hãi
Tự treo đầu chết tại Loa Sơn15
Quân ta thừa thắng xông lên
Đánh tan Yên Quyết, diệt luôn Nam Đồng
Nhằm thẳng cung Tây Long xốc tới16
Tiếng hò reo vang dội khắp vùng
Hiên ngang tướng giỏi binh hùng
Tả xung hữu đột, lẫy lừng chiến công.
Đến rạng sáng ngày mồng 5 Tết (mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, tức ngày 30/1/1789)
Đạo trung quân công kích Ngọc Hồi
Mộc rơm đỡ đạn cho người17
Đội quân cảm tử tuyệt vời trung kiên
20 tấm mộc liền một khối18
600 binh xốc tới ngoan cường
Hợp vây, công phá, hãm đồn (có đạo quân của Đô đốc Bảo phối hợp)
Làm cho bạt vía khiếp hồn quân Thanh
Tướng giặc Hứa Thế Hanh tử trận
Khắp ngoài trong bị đánh tơi bời
Quân Thanh tan tác khắp nơi
Chính mình lại giẫm địa lôi của mình19!
Giặc tháo chạy ra vùng Đầm Mực20
Ta đón đầu mai phục tại đây
Hàng ngàn tên giặc phơi thây
Âm mưu chiếm đóng vụt bay tan tành.
Tôn Sĩ Nghị cả kinh bỏ chạy21
Đám tàn binh run rẩy bôn đào
Cuống cuồng tranh vượt cầu phao22
Sập cầu, quân tướng rơi nhào xuống sông.
Trưa hôm ấy, ngày mồng 5 Tết
Khải hoàn ca vang khắp Thăng Long
Cõi bờ sạch bóng ngoại xâm
Người người hoan hỉ, toàn dân vui mừng.
![]() |
![]() |
Hình ảnh Ngọc Hân Công chúa cầm cảnh đào báo tin thắng trận của Vua Quang Trung đã đi vào nhiều giai thoại văn học thơ ca Việt Nam. |
Ôi, chiến thắng vang lừng, oanh liệt!
Sáng ngàn năm nước Việt anh hùng
Cờ đào áo vải Quang Trung
Thiên tài quân sự lẫy lừng năm châu
Muôn thế hệ tự hào kỳ tích
Chống ngoại xâm hiển hách tuyệt vời
Sử sánh ghi tạc đời đời
Chói ngời chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
*Chú thích:
1: Tháng 5/1788, Lê Duy Kỳ (tức Lê Chiêu Thống) cầu viện nhà Thanh (còn gọi là Mãn Thanh).
Tháng 11/1788, quân Thanh xâm lược nước ta.
2: Nhà Thanh huy động 29 vạn quân ở các địa phương: Vân Nam, Quý Châu, Quảng Đông, Quảng
Tây và Điền Châu, tiến vào nước ta theo 4 đường tại: Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang
và Quảng Ninh.
3: Quân Thanh tung chiêu bài “Phù Lê diệt Tây Sơn”.
4: Ngày 17/12/1788, quân Tây Sơn hoàn thành cuộc rút lui chiến lược, lập phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình, Biện Sơn thuộc tỉnh Thanh Hoá.
5: Nguyễn Huệ đọc “Hịch đánh giặc Thanh” tại lễ lên ngôi ngày 22/12/1788 ở Phú Xuân (nay thuộc
tỉnh Thừa Thiên Huế). “Hịch đánh giặc Thanh” ngắn gọn, hùng tráng và đầy niềm tin tất thắng:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Dịch nghĩa:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó bánh xe không quay lại
Đánh cho nó manh giáp không trở về
Đánh cho sử biết nước Nam anh hùng là có chủ.
6: Thay nhau 2 người cáng 1 người, hành quân suốt ngày đêm. (vừa hành quân, vừa ngủ nghỉ được).
7: Câu ca thời Tây Sơn tuyển thêm quân để đánh giặc Thanh: “Anh đi theo Chúa Tây Sơn / Em về
cày cuốc mà thương mẹ già”.
8: Ngày 30 Tết Kỷ Dậu 1789, tại Tam Điệp, Vua Quang Trung tuyên bố với các tướng soái: “Nay
hãy làm lễ ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến sang xuân ngày mồng 7 vào thành Thăng Long
sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng thế không?”.
9: Đạo trung quân do Vua Quang Trung trực tiếp chỉ huy.
10: Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân chỉ huy đội quân đi đầu của đạo trung quân.
11: Cung Tây Long trong thành Thăng Long.
12: Nguyễn Huệ nghi binh thu hút địch về phía Nam Thăng Long, tạo cơ hội
cho Đô đốc Long đánh chiếm các đồn trại giặc ở phía Tây Thăng Long.
13: Trận Khương Thượng, xác giặc quá nhiều, được quân dân ta chôn chung tại 12 gò,
cùng với các gò tự nhiên nên có tên Đống Đa (nhiều đống).
14: Nhân dân địa phương đốt rơm tẩm dầu thành một hàng rào lửa quanh đồn Khương Thượng, hỗ trợ nghĩa quân Tây Sơn tấn công giặc Thanh.
15: Bọn chỉ huy đồn Khương Thượng đóng tại Loa Sơn.
16: Đạo quân Đô đốc Long xốc thẳng tới Cung Tây Long – nơi đồn trú của Tôn Sĩ Nghị.
17: Tấm gỗ lớn, phía trước có lớp rơm ướt dày.
18: 20 tấm mộc rơm đặt liền kề nhau thành một bức tường chống đạn, phía sau mỗi tấm mộc rơm
có 30 quân cảm tử, trong đó có 10 người khiêng mộc.
19: Giặc Thanh chạy đạp địa lôi của chúng gài trước đó, chết rất nhiều.
20: Đầm Mực nay thuộc xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
21: Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt bỏ chạy, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, bỏ cả
sắc thư, quân ấn chủ soái của vua phong.
22: Cầu phao bắc qua sông Nhị Hà, nay là sông Hồng.