Tổng kết Dự án VIE093 tại Thanh Hóa
Hoạt động hội địa phương 24/12/2024 13:49
Dự án VIE093 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tài trợ thông qua Tổ chức HelpAge International (Tổ chức HAI). Dự án được triển khai thí điểm tại Thanh Hóa từ năm 2023 nhằm bước đầu thí điểm mô hình chăm sóc tích hợp và toàn diện cho NCT tại cộng đồng.
Từ tháng 8/2023 đến tháng 12/2023, dự án được triển khai ở xã Đông Phú, huyện Đông Sơn và phường Quảng Phú, TP Thanh Hóa. Tuy nhiên do thời gian triển khai ngắn chưa thể đúc rút được kinh nghiệm cũng như đưa ra đề xuất cụ thể về các chính sách đối với mô hình này tại Việt Nam nên năm 2024 dự án tiếp tục được triển khai tại xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương.
Toàn cảnh hội nghị. |
Mô hình chăm sóc tích hợp và toàn diện tại cộng đồng cho NCT áp dụng cho những trường hợp bị suy giảm chức năng, không thể sinh hoạt một cách độc lập. Tuy nhiên, không cần thiết phải đến các cơ sở chăm sóc nội trú nếu được chăm sóc đầy đủ tại gia đình, cộng đồng.
Phương pháp chăm sóc tích hợp tập trung nhấn mạnh vào việc tối ưu hóa năng lực nội tại và khả năng hoạt động của NCT, xem đó là chìa khóa cho sự già hóa khỏe mạnh. Đồng thời, hỗ trợ sự già hóa khỏe mạnh bằng cách giải quyết các vấn đề liên quan đến suy giảm năng lực nội tại, khả năng hoạt động của NCT; nhu cầu chăm sóc xã hội của NCT và hỗ trợ người chăm sóc.
Nguyên tắc chăm sóc tích hợp dành cho NCT là lấy con người làm trung tâm; tập trung vào nhu cầu của NCT; dịch vụ toàn diện; cá nhân hóa các dịch vụ chăm sóc; tối đa hóa khả năng tiếp cận; dịch vụ chăm sóc tiêu chuẩn và có thể chi trả.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Dịch vụ chăm sóc bao gồm: Điều dưỡng, trị liệu vật lý, phục hồi chức năng, truyền thông về tự chăm sóc, dinh dưỡng, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cá nhân (rửa mặt, chải đầu, tắm gội, cho ăn,...), hỗ trợ giao tiếp, giúp uống thuốc, trò chuyện và tâm sự, hoạt động nhóm, giúp NCT tiếp cận với quyền lợi, chế độ, chính sách theo quy định,...
Sau hơn một năm triển khai Dự án (riêng xã Quảng Phú là 5 tháng), dù còn gặp nhiều khó khăn song bước đầu đã có sự thay đổi về nhận thức, cách nhìn nhận của cán bộ cơ sở cũng như cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe cho NCT có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Các hoạt động của dự án tạo sức lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân cũng như chính quyền cơ sở, từ đó nhận được quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.
Đến nay, đã có nhiều NCT bị bệnh tật nhận được sự hỗ trợ từ dự án, như xã Đông Phú có 16 ca; phường Quảng Phú 12 ca và xã Quảng Văn có 27 ca. Sau thời gian được chăm sóc hỗ trợ, sức khỏe của NCT đã có sự cải thiện rõ rệt, tinh thần cũng vui vẻ, phấn chấn hơn.
Thông qua mô hình của Dự án đã huy động được sức mạnh của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành ở địa phương vào cuộc, cùng chung tay giúp đỡ NCT và người khuyết tật (huy động cơ sở vật chất, nguồn lực, chính sách...).
Ông Ngô Tôn Tẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kết quả thực hiện mô hình thí điểm chăm sóc tích hợp cho NCT, những thuận lợi, khó khăn và các giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình trong thời gian tới; tác động của mô hình thí điểm chăm sóc tích hợp cho NCT tại cộng đồng đối với công tác chăm sóc NCT và an sinh xã hội tại địa phương; vai trò điều phối của UBND xã, phường trong chăm sóc tích hợp cho NCT, kế hoạch để duy trì tính bền vững của mô hình và khuyến nghị để nhân rộng mô hình...
Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức HAI. |
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Ngô Tôn Tẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cần tập trung tuyên truyền sâu rộng về mô hình cũng như tính nhân văn của Dự án đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ đó góp phần làm thay đổi nhận thức của NCT được chăm sóc cũng như sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Đặc biệt là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền trong công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT, đồng thời xem việc chăm sóc sức khỏe cho NCT là việc làm của toàn xã hội chứ không chỉ là chức năng, nhiệm vụ của Hội NCT các cấp.
Ông Tẫn đề nghị các đơn vị triển khai thí điểm Dự án cần tiếp tục duy trì các hoạt động; lồng ghép kết nối với các hoạt động của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau. Để nhân rộng mô hình, cần có sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội, Bộ Y tế,...