Về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Lần thứ 2 Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đây là một dự án Luật hết sức quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Một số nội dung lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kĩ lưỡng để vừa nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn thi hành, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta.
Các quy định cần bảo đảm tính khả thi, nhất là về xử lí tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người kê khai không giải trình hợp lí nguồn gốc; thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác phòng chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập... Nội dung này Quốc hội thảo luận tại tổ trong buổi chiều cùng ngày.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh): "Mục đích của TDTT là nâng cao
thể lực của người Việt Nam".
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTTTheo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở phần lớn các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi (chỉ có 0,4% - 0,6% trường phổ thông và 13% trường đại học là có bể bơi). Nếu quy định bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực đối với nhà trường, phụ huynh và học sinh, sinh viên; buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện chưa sẵn sàng sẽ dẫn đến hiện tượng hình thức, không hiệu quả. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, UBTVQH chỉnh lí Dự thảo theo hướng quy định trách nhiệm của Nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi.
Đồng tình với sự chỉnh lí trên, các đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đàm Thị Mĩ Hương (Ninh Thuận) cho rằng đưa môn bơi thành môn bắt buộc vào nhà trường là khó khả thi. Nếu dự án luật quy định bắt buộc dạy bơi sẽ tạo áp lực lớn cho ngân sách đầu tư, gánh nặng cho gia đình và học sinh. Do đó, hãy để môn bơi theo hướng khuyến khích và xã hội hóa.
Không đồng tình với lập luận trên, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, không nên hiểu bắt buộc học môn bơi thì nhà trường phải có bể bơi, mà chỉ cần đưa ra tiêu chí học sinh trung học cơ sở phải biết bơi để nhà trường, gia đình cùng thực hiện. Vì với địa hình nước ta, để phòng tránh đuối nước, việc phổ cập bơi là rất cần thiết.
Đồng quan điểm, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần thiết kế một khoản quy định bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa và có lộ trình thực hiện, đồng bộ với Luật Giáo dục sửa đổi lần này.
Việc bổ sung quy định về đặt cược thể thao trong dự thảo Luật cần được nghiên cứu, xem xét. Đa số ý kiến tán thành việc luật hóa quy định về đặt cược thể thao.
Đất đai dành cho thể dục, thể thao cũng là một trong những nội dung lớn được các đại biểu Quốc hội quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến. Một số đại biểu đề nghị bổ sung khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy phong trào TDTT trong công nhân.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, định hướng của luật mới là quan trọng, cái chúng ta cần, muốn là có một dân tộc khỏe mạnh. Trong khi đó, thực trạng hiện nay là kinh tế đi lên nhưng thể lực, chiều cao lại có xu hướng giảm; một quốc gia về biển nhưng số người đuối nước lại rất nhiều, đa phần trẻ em không biết bơi. Đại biểu Nghĩa nhấn mạnh, mục đích của thể dục thể thao là nâng cao thể lực của người Việt Nam, thể lực tăng lên thì trí tuệ mới tăng lên, chi phí cho bệnh tật giảm xuống. Vì thế, tán thành việc phải luật hóa những quy định bắt buộc để phong trào thể dục thể thao quần chúng đi lên, nhất là những quy định đối với hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường.
Ngoài ra, nhiều đại biểu đề nghị có những quy định rõ ràng hơn về thúc đẩy phát triển TDTT quần chúng, cũng như những chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng, khai thác các công trình thể dục, thể thao phục vụ hoạt động thể dục, thể thao quần chúng, đặc biệt phục vụ cho trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi...
Hoàng Trang