Hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ Tạo thế và lực cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững
Tin tức - Sự kiện 18/06/2019 10:15
Hội nghị tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm nhằm bảo đảm tính bền vững về kinh tế - xã hội, sinh kế của người dân vùng ĐBSCL trong bối cảnh phải thích ứng với BĐKH…
Hội nghị đánh giá thẳng thắn những việc đã làm được, chưa làm được và những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương kể từ khi thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP đối với các nhiệm vụ được giao, các nhiệm vụ đề ra trong Chương trình Hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết.
Hội nghị cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới, bao gồm: Các hoạt động ưu tiên có quy mô vùng, mang tính bền vững và có tính lan tỏa; các giải pháp về cơ chế, chính sách, khoa học và công nghệ, nguồn lực, cơ chế điều phối vùng, đối tác công - tư trong triển khai thực hiện Nghị quyết; mối quan tâm và định hướng cam kết của các Đối tác phát triển hỗ trợ việc thực hiện Nghị quyết… Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong vùng, qua đó, tận dụng cơ hội, từng bước chuyển hóa những thách thức thành các cơ hội mới.
Sau 2 năm triển khai Nghị quyết, vùng ĐBSCL đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tăng trưởng GDP 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây; kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 15,7 tỉ USD; diện mạo nông thôn được khởi sắc, có nhiều đổi mới. Sản xuất nông nghiệp tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa; hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Tập trung phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải; khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió và mặt trời… Trong lĩnh vực giao thông, Chính phủ quan tâm đầu tư để hoàn thành kết nối thông tuyến vào năm 2020… Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án thủy lợi, hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu được triển khai thực hiện, tăng cường ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao...
Nhiều địa phương chủ động triển khai một số mô hình kinh tế phù hợp tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với BĐKH như nuôi tôm bền vững; lựa chọn, phát triển, nâng cao chất lượng các giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản có tiềm năng, lợi thế; đầu tư nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn; xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư vùng ngập lũ; xây dựng hệ thống cấp nước đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất cho các tỉnh phía Tây Nam sông Hậu đến năm 2025 và 2030; tăng cường quản lí và đầu tư xây dựng cơ sở xử lí chất thải rắn, đầu tư hệ thống thu gom, xử lí nước thải…
Đặc biệt, an sinh xã hội, sinh kế của người dân từng bước được chuyển đổi theo hướng bền vững. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa; các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, di sản thiên nhiên văn hóa được chú trọng, giữ gìn.
Đạt được thành tựu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Nghị quyết đã kịp thời định hướng chiến lược cho phát triển của ĐBSCL. Thực tiễn hai năm thực hiện cho thấy, việc kế thừa thành quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ, các dự án phát triển đã và đang được các Bộ, ngành và địa phương đưa vào quá trình thực hiện Nghị quyết đã tạo đà phát triển mạnh mẽ cho ĐBSCL… Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới…