Chương trình chiến lược, đối tác chiến lược…
Hoạt động hội địa phương 15/12/2020 17:49
Sở dĩ trở thành “đối tác chiến lược” bởi dù gặp rất nhiều khó khăn như tỉ lệ hộ nghèo thấp, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền hạn chế và chỉ được Dự án hỗ trợ thành lập 16 CLB, song toàn thành phố đã nhân thêm được 78 CLB từ nguồn huy động xã hội hóa.
Hội nghị Tổng kết 3 năm thực hiện Dự án VIE070 trên địa bàn TP Hà Nội |
Theo báo cáo của Hội NCT TP Hà Nội, ngay từ khi có Quyết định 1533 của Thủ tướng Chính phủ, Hội NCT TP đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND TP ban hành kế hoạch triển khai Dự án VIE070 trên địa bàn. Đồng thời tổ chức Hội nghị quán triệt, tập huấn phương pháp thành lập, quản lí, điều hành CLB cho đội ngũ cán bộ và thành viên Ban Chủ nhiệm.
Tiết mục văn nghệ của CLB LTHTGN phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) |
Đến nay, toàn TP đã thành lập 16 CLB LTHTGN, vượt 1 CLB theo chỉ tiêu Dự án. Trong 868 thành viên tham gia CLB chủ yếu là NCT nghèo, cận nghèo, phụ nữ, có hoàn cảnh khó khăn... Mỗi CLB được cấp 100 triệu đồng để thành lập Quỹ tăng thu nhập quay vòng; một số thiết bị phục vụ hoạt động như máy đo huyết áp, cân, micro, bảng. Các CLB sinh hoạt định kì hằng tháng, đạt từ 80% trở lên số hội viên tham gia. Thông qua các buổi sinh hoạt, hội viên được truyền thông về quyền và lợi ích; các chế độ chính sách dành cho NCT; được theo dõi sức khỏe, hướng dẫn cách tự chăm sóc sức khỏe phòng ngừa bệnh tật; hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; được hỗ trợ vay vốn và hướng dẫn kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm hoạt động CLB LTHTGN |
Trong 3 năm, các CLB cũng tổ chức cho 140 tình nguyện viên hỗ trợ, chăm sóc tại nhà cho 97 thành viên, chủ yếu là thành viên nữ, khuyết tật, NCT có hoàn cảnh khó khăn, phải sống một mình không nơi nương tựa hoặc 2 vợ chồng đều là NCT phải tự chăm sóc nhau. Thông qua hoạt động tình nguyện viên đã tạo sự chia sẻ, đồng cảm, gắn kết tình làng nghĩa xóm,
Riêng vốn quỹ tăng thu nhập, ngay từ khi thành lập, mỗi CLB được hỗ trợ 100 triệu đồng, trong đó 75 triệu đồng từ Dự án và 25 triệu đồng vốn đối ứng của địa phương. Từng CLB đã đưa ra thảo luận công khai, cho từ 22 đến 35 thành viên vay đầu tư phát triển kinh tế; tiền lãi thu được một nửa nhập quỹ, nửa còn lại để chi các hoạt động của CLB. Do số vốn vay không nhiều, hội viên đều bảo đảm thời gian trả nợ và lãi suất theo quy định; chủ yếu đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ như nuôi vài chục con gà vịt, trồng rau sạch, làm hàng thủ công hoặc buôn bán nhỏ…
Buổi sinh hoạt của CLB LTHTGN thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) |
Với nỗ lực và nhiều cách làm sáng tạo, đến nay, huyện Đan Phượng đã có 11 CLB; trong đó 2 CLB được Dự án hỗ trợ; các CLB còn lại khi ra mắt đều có 50 triệu đồng (ngân sách huyện hỗ trợ 20 triệu đồng, Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT cơ sở trích 20 triệu đồng, vận động hội viên đóng góp và xã hội hóa 10 triệu đồng).
Từ khi thành lập, CLB LTHTGN phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) do bà Đào Thị Hoa làm Chủ nhiệm đã được nhiều đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm, trong đó có cả khách quốc tế. Mới đây, CLB được đón Chủ tịch TƯ Hội Phạm Thị Hải Chuyền đến kiểm tra, khảo sát. Chủ tịch đánh giá rất cao những kết quả và cách làm sáng tạo, năng động của CLB. Hiện CLB đã tăng nguồn vốn quỹ lên 150 triệu đồng và dành hàng chục triệu đồng nguồn thu từ làm giá đỗ, rau mầm, nấm… để chi các hoạt động và làm từ thiện, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng dân cư và đồng bào nghèo, NCT bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt.
Thăm tình nguyện viên chăm sóc tại nhà |
CLB LTHTGN khu Tân Xuân (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) lại nổi tiếng với những sản phẩm vi sinh như nước rửa tay sinh học, thuốc trừ sâu thảo mộc và các loại tinh dầu dừa, gấc, tỏi… độc đáo, giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, giống và kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi thân thiện với môi trường của CLB đã lan tỏa sang tận miền Nam Xu Đăng, giúp người dân khu vực Trung Đông phủ xanh vùng đất cằn cỗi và thoát khỏi đói nghèo.
Sản phẩm rau mầm của CLB khu Tân Xuân (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) |
Được chuyên gia của Dự án hướng dẫn kĩ thuật làm than sinh học, các thành viên CLB LTHTGN thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) đã áp dụng vào thực tế làng nghề mộc truyền thống, triển khai hiệu quả và phổ biến cho bà con cùng làm. Kết quả là sản phẩm than sinh học tận dụng được nhiều đầu mẩu gỗ và tre vụn, sau khi đốt thành than được đưa vào đồng ruộng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, vừa cải tạo đất, lại có lợi, bảo vệ môi trường.