Chính phủ đồng hành cùng địa phương vượt qua mọi khó khăn, thách thức
Tin tức - Sự kiện 05/01/2022 16:23
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chính phủ không bỏ lại một địa phương nào ở phía sau trong đại dịch
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho hay, trong bối cảnh phức tạp, trước những khó khăn, thử thách lớn chưa từng có tiền lệ, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành kịp thời, thống nhất, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng; sự đồng hành, chia sẻ của Quốc hội, có thể thấy những kết quả đạt được rất đáng khích lệ và ngoài mong đợi.
Hầu hết chỉ tiêu chính đạt và vượt, tăng trưởng đạt 2,58%, đặc biệt trong quý IV tăng mạnh với 5,22%, thu hút đầu tư FDI tăng 9,2%… Tất cả những con số này nói lên sự tin tưởng của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài với khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam; cũng như nói lên niềm tin của nhân dân, sự nỗ lực, quyết tâm, kiên trì, để tạo sự đột phá tăng trưởng sau quý III/2021 bị giảm sâu.
Về phía góc độ là người lãnh đạo ở địa phương, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên cho biết, Chính phủ luôn đồng hành với địa phương, tập trung vào các địa phương khó khăn, quyết tâm không bỏ lại một địa phương nào ở phía sau trong đại dịch. Các địa phương cũng luôn có tinh thần tương thân, tương ái, luôn tương trợ các địa phương có diễn biến dịch phức tạp.
“Sự thành công trong thời gian qua do Chính phủ và các địa phương chủ động nhưng không chủ quan, nóng nhưng tuyệt đối không vội, nhanh nhưng tuyệt đối không ẩu”, Bí thư tỉnh uỷ Thái Nguyên nêu ý kiến.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, biện pháp, chủ trương của Chính phủ ban hành rất quyết liệt, hợp lý. Trong đó, sự ra đời của Nghị quyết 128 có thể được coi là cứu cánh cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Đối với tỉnh Thái nguyên, năm 2021 đã đạt kết quả đáng khích lệ khi tăng trưởng 6,51%, lần đầu tiên tỉnh đạt mức thu ngân sách đạt 18.000 tỷ đồng (tăng 146%), đứng thứ 18 toàn quốc. Đặc biệt, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 143% kế hoạch Thủ tướng giao.
Quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Chính phủ là động lực cho các địa phương
Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng cho rằng, những kết quả phát triển kinh tế-xã hội đạt được trong năm 2021 là hết sức quan trọng và đáng tự hào trong bối cảnh đây là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; Chính phủ đã phải xử lý những vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp chưa có tiền lệ, do sự bùng phát của đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta gây ra.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phát huy được kết quả, thành tựu trong kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội của nhiệm kỳ trước đây, đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ, phù hợp với diễn biến tình hình thực tiễn ở các địa phương.
Các đại biểu dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhờ đó, chúng ta đã nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh và chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để khôi phục phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với những chỉ số ấn tượng, đặc biệt là giữ vững được kinh tế vĩ mô, đạt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu, tổng thu ngân sách nhà nước đã vượt 16,4% dự toán, bảo đảm được các cân đối lớn, cán cân thương mại, duy trì được thặng dư.
Đây là những tiền đề quan trọng để cả nước phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo, qua đó giúp cho địa phương có nhiều bài học kinh nghiệm và sự quyết tâm cao hơn để vượt qua khó khăn thách thức.
“Đặc biệt địa phương thấy rất rõ sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng chính sách, cải cách lề lối làm việc, nhất là việc phân cấp, phân quyền cho địa phương. Tinh thần này đã được Chính phủ thể hiện rõ trong quá trình điều hành và tổ chức thực hiện”, Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng bày tỏ.
Điều này đã được thể hiện qua việc sáng 4/1, Quốc hội đã khai mạc kỳ họp bất thường để xem xét, thông qua một loạt nội dung về phân cấp, phân quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho các địa phương như sửa đổi Điều 17, Điều 31, Điều 33, Điều 75 Luật Đầu tư. Hay trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã đề xuất thí điểm một số chính sách về chỉ định các gói thầu tư vấn, gói thầu thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng, phân cấp, phân quyền, bố trí vốn cho một số UBND cấp tỉnh thực hiện các đoạn, tuyến hoặc dự án cao tốc đi qua địa phương….
Ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: “Đây không chỉ là quyết tâm đổi mới của Chính phủ mà quan trọng hơn là giải pháp mang tính động lực để các địa phương chủ động trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội”.
Phấn đấu cao nhất đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022
Nhấn mạnh năm 2021, Hà Nội đã bám sát, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Thành phố đã ban hành 10 chương trình công tác lớn, xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ cán bộ Thủ đô cho giai đoạn mới và Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hoá để tạo đột phá cho Thành phố trong giai đoạn phát triển.
Hội nghị tập trung phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong suốt quá trình này, Thành phố luôn chủ động, tích cực tham gia xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách của Chính phủ, đồng thời triển khai tích cực các chính sách riêng trên địa bàn Thủ đô.
Về công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội, Hà Nội đã quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Năm 2021, Hà Nội đã chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khoẻ cho nhân dân và an toàn cho Thủ đô. Trong đó có các đợt cao điểm về quy mô tiêm chủng, đến nay tỷ lệ tiêm mũi 1 với người trên 18 tuổi là 99%; đã tiêm vét cho người cao tuổi…
Theo ông Chu Ngọc Anh, tinh thần chung, Hà Nội triển khai quyết liệt, đồng bộ 3 tầng điều trị với sự chủ động sớm, từ xa ngay từ cơ sở. Để có phương án cho trên 100.000 ca nhiễm, Hà Nội huy động bệnh viện Trung ương, lực lượng bác sĩ về hưu, lực lượng tình nguyện để triển khai đồng bộ từ cơ sở; đồng thời triển khai các tổ giám sát COVID-19 cộng đồng, hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, Thành phố đã triển khai trên 3.200 tổ hỗ trợ theo dõi đáp ứng thông tin cho các F0, F1 điều trị tại nhà.
Theo Chủ tịch TP. Hà Nội, số ca mắc của Thủ đô vài ngày gần đây lên top đầu của cả nước. Tuy nhiên đến hôm nay, trong tổng số trên 54.700 bệnh nhân thì có trên 52.000 ca đã khỏi bệnh. Tỉ lệ điều trị ở tầng 1 là 93,4%, tầng 2 là 5,36%, kiểm soát chặt chẽ ở tầng 3 ở mức thấp trên 1,7%. Đặc biệt số ca tử vong tại Hà Nội dưới 0,3%
Về phục hồi kinh tế sau giãn cách, tăng trưởng quý IV của Hà Nội đạt 6,69%, cao hơn trung bình cả nước ở quý IV (5,52%). Điều này đặc biệt ý nghĩa khi quý III, Hà Nội giảm sâu tới 6,69% so với cả nước, việc phục hồi ở quý IV đã phục hồi sản xuất, tạo nên tăng trưởng chung cả năm 2021 là 2,92%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn trên 264.000 tỷ, vượt dự toán giao 12,3%...
Các chỉ tiêu khác cũng đã được Thành phố quyết liệt hoàn thành cơ bản từ mô hình chính quyền đô thị, các đồ án quy hoạch, dự án giao thông; đã có 382 xã hoàn thành nông thôn mới; quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, đề án phát triển kinh tế-xã hội như ban hành Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô.
Hà Nội có 3 bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, thứ nhất là bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Thành uỷ, cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc phòng, chống dịch một cách thực chất với người dân là chủ thể trong công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh chủ động từ cơ sở với nhiều mô hình sáng tạo; chủ động phương án phòng, chống dịch từ xa, tránh bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Thứ hai là kiên trì thực hiện các chủ trương, chính sách, phát huy cao độ vai trò người đứng đầu các cấp; thứ ba là chủ động có kịch bản điều hành và giải pháp cập nhật tương ứng tình hình.
Theo Chủ tịch TP. Hà Nội, năm 2022, Thành phố sẽ tập trung kỷ luật, kỷ tương, trách nhiệm hành động và sáng tạo với 22 chỉ tiêu phát triển để phấn đấu cao nhất đạt mục tiêu tăng trưởng 7,0-7,5% của năm 2022. Trong đó, tập trung 5 nhóm trọng tâm thích ứng linh hoạt, phục hồi phát triển từng ngành, lĩnh vực; tập trung cao độ cho văn hoá, giáo dục, y tế ngay từ quý I/2022.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, đi đôi với kiểm tra, giám sát đối với địa phương; tập trung chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục những tồn tại nhiều năm trong công tác quản lý đất đai, đầu tư dự án đã; xem xét ban hành hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách mới, tạo động lực cho phát triển để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương…