Bài 2: Nhếch nhác những trụ sở xã bỏ hoang
Hơn 4 năm thực hiện sáp nhập, các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã hoạt động ổn định, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Tuy nhiên, đến nay, do nhiều vướng mắc, bất cập nên vẫn còn một số nhà, đất, công sở dôi dư không còn nhu cầu sử dụng đang xuống cấp nghiêm trọng, nhếc nhác. |
Sử dụng sai mục đích… lãng phí
Bên cạnh đó, cũng có nhiều địa phương sau sáp nhập đã tận dụng trụ sở xã (cũ) làm điểm giao dịch ngân hàng, chợ tạm, xây trường học, nơi làm việc của công an hoặc đấu giá để phát huy giá trị. Tuy nhiên, hơn 4 năm trôi qua nhưng hiện tại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn còn xuất hiện tình trạng trụ sở bỏ hoang, gây lãng phí tài sản công của Nhà nước. Đơn cử như 3 xã Yên Nội, Hoàng Cương, Thanh Xá của huyện Thanh Ba lấy tên là xã Hoàng Cương mới. Thời điểm sáp nhập, trụ sở xã Yên Nội (cũ) được đầu tư hàng tỉ đồng xây mới khang trang hiện đại, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2017, sau sáp nhập toàn bộ cơ sở vật chất bị bỏ không trong thời gian khá dài… Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đức Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Cương cho biết: “Địa phương chúng tôi có 2 trụ sở của xã Yên Nội và Hoàng Cương sau sáp nhập để không. Nhưng đến thời điểm hiện tại xã đang sửa sang lại để chuyển cho Công an quản lí, còn trụ sở xã Hoàng Cương (cũ) đang triển khai bán đấu giá”. |
Tương tự là xã Hanh Cù mới, được hình thành từ sự sáp nhập 3 xã Hanh Cù (cũ), Yển Khê và Thanh Vân cũng đang dư thừa 2 trụ sở. Trong đó, trụ sở xã Thanh Vân (cũ) xây dựng cách đây chưa lâu, nhưng cũng phải bỏ hoang. Ông Lê Hồng Thuận, Chủ tịch UBND xã Hanh Cù cho biết: “Đối với xã Thanh Vân đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp và giao cho Trung tâm Y tế huyện mở Phòng khám để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn 3 xã nói riêng, các xã vùng thượng huyện nói chung”. Cạnh đó, xã Mạn Lạn sáp nhập với xã Phương Lĩnh và xã Vũ Yển. Trụ sở xã Mạn Lạn đặt tại xã Phương Lĩnh. Theo đó, trụ sở xã Mạn Lạn giao cho Công an quản lí; trụ sở xã Vũ Yển cho mượn 1 phần làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, còn lại vẫn bỏ trống. |
Sau khi sáp nhập thì xã Phong Phú cũng dư thừa ra hai trụ sở xã Quế Lâm và Phong Phú. Trụ sở xã Phong Phú (cũ) nay là xã Phú Lâm, thuộc huyện Đoan Hùng chính quyền địa phương đã sắp xếp và làm trụ sở Công an xã. Năm 2023, toàn bộ cơ sở vật chất cũng được bàn giao cho trường Mầm Non của xã, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương. |
Muôn kiểu lãng phí
Sau hơn 4 năm kể từ khi tỉnh Phú Thọ hoàn thành công tác sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Nhiều công trình nhà làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ xã, hội trường, trạm y tế xã, trường học còn rất mới, được xây dựng ở những khu đất đắc địa, nhưng nằm phơi mình dưới nắng sương, cỏ mọc um tùm, thậm chí thành nơi chăn thả trâu bò, gây lãng phí lớn. Năm 2020, huyện Thanh Thủy đã sáp nhập 3 xã Phượng Mao, Tu Vũ, Yến Mao thành xã Tu Vũ. Trụ sở xã Tu Vũ mới đặt tại xã Yến Mao, còn 2 trụ sở xã Tu Vũ và Phượng Mao (cũ). Đến nay, trụ sở xã Phượng Mao (cũ) không thanh lí mà tận dụng làm khu vui chơi cho khu dân cư của người dân trên địa bàn. Tại trụ sở xã Trung Thịnh (cũ) nay là xã Đồng Trung thì địa phương bố trí 2 dãy nhà cao tầng làm phòng ở cho cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn và toàn bộ Hội trường rộng thênh thang của xã (cũ) thì nằm im lìm suốt nhiều năm qua. |
Hai xã Văn Lương và Tam Cường của huyện Tam Nông sáp nhập thành xã Vạn Xuân, hiện người dân sử dụng sân trụ sở xã Tam Cường (cũ) làm chợ tạm, còn lại toàn bộ dãy nhà 2 tầng, hội trường, khu nhà cấp 4 bỏ hoang suốt những năm qua. Riêng trụ sở xã Văn Lương địa phương phá dỡ xây dựng trường Mầm Non khang trang, sạch đẹp. Trụ sở xã Hùng Đô (cũ) xã Lam Sơn mới, huyện Tam Nông đang để cho một doanh nghiệp thuê sân làm nơi tập kết, sản xuất vật liệu xây dựng, 2 dãy nhà của khu làm việc phơi mưa, phơi nắng... Trụ sở xã dôi dư sau sáp nhập nếu không kịp thời xử lí thì sẽ không tránh khỏi tình trạng xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí. Để giải quyết thực trạng này cần sự vào cuộc tích cực, khẩn trương, phối hợp xử lí của nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương để tránh lãng phí tài sản Nhà nước, gây bức xúc trong Nhân dân. Phóng sự: Xuân Hiền |