11:19 | 22/06/2018 In bài biết
Ông Hán sinh ra và lớn lên ở thôn Đồng Côi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Làng quê ông nằm theo triền sông Đào đỏ nặng phù sa, bồi đắp cho đất bãi thêm màu mỡ.
Trước đây, người dân thôn Đồng Côi trồng nhiều loại cây màu khác nhau. Mấy năm nay họ tập trung vào trồng ngô, những bãi ngô ngút ngàn tô thêm vẻ đẹp sầm uất của làng quê đổi mới. Là nông dân chuyên trồng ngô nên năm nào ông Hán cũng bội thu. Sản phẩm của ông được đưa đi dự các hội chợ nông sản và được tặng Huy chương Vàng. Đến vụ thu hoạch ông chọn những bắp ngô mười hạt như mười đều tăm tắp từ đầu đến cuối, phơi khô treo lên gác bếp, chờ đến mùa gieo hạt mới đem tặng những người trồng ngô trong làng để làm giống. Nhận ngô giống từ tay ông, ai cũng nói lời cảm ơn. Ông bảo: “Giống ngô không thiếu, nhưng đây là giống đã thuần chủng, phù hợp với sự biến đổi khí hậu, tôi biếu các vị làm giống, mong vụ ngô sau nhà ai cũng bội thu”. Tiếng lành đồn xa, phóng viên của Báo Nông nghiệp đến gặp người nông dân có tấm lòng nhân hậu ấy tìm hiểu. Sau màn chào hỏi làm quen, phóng viên hỏi:
- Tại sao ông lại chia sẻ những hạt giống tốt nhất của mình với những người láng giềng, trong lúc giữa họ và ông năm nào cũng có sự cạnh tranh sau mỗi vụ thu hoạch?”
- Vì sao ư? Ông Hán bình thản đáp: “Chẳng lẽ, nhà báo không biết rằng cứ mỗi lần gió thổi qua cánh đồng ngô, phấn hoa sẽ bị cuốn theo chiều gió, rải khắp từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Nếu những người láng giềng của tôi trồng giống ngô kém chất lượng, thì sự giao phấn sẽ làm cho cánh đồng ngô của tôi cũng sẽ có những bắp ngô kém phẩm chất. Vì thế, muốn để cho ngô của mình bắp to, hạt mẩy, đều, cũng cần để cho những người láng giềng có hạt giống tốt như của chính mình”.
Câu chuyện nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Phóng viên nghĩ vậy, tuy không nói ra, nhưng trong tâm trí ca ngợi ông hết lời vì ông Hán nhận thức đúng đắn về mối quan hệ trong cuộc đời này. Ông không thể thu hoạch được những bắp ngô tốt, nếu những người láng giềng của mình chỉ có giống ngô xấu. Vì thế khi nhìn nhận một vấn đề phải đặt nó trong tổng thể các mối quan hệ xã hội. Nói một cách cụ thể là muốn mình hạnh phúc thì cần phải làm cho những người xung quanh mình cũng hạnh phúc. Giá trị cuộc sống của chúng ta được đo bằng giá trị cuộc sống của những người mà ta có mối quan hệ. Thế nên câu thành ngữ “Đèn nhà ai, người ấy rạng” là không phù hợp. Mà phải biết sống vì người khác trong đó có mình. “Nước nổi, lo chi bèo không nổi” là chân lí được rút ra từ cuộc đời mang tính nhân văn này.
Bài và ảnh Nguyễn Đức Hòe
TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE
Hội Người cao tuổi Việt Nam
Tổng biên tập: Lê Quang
Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.
Liên hệ: Tòa soạn
Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/biet-song-vi-nguoi-khac-9115.html