Người thương binh giàu nghị lực

11:04 | 06/02/2018 In bài biết

Đó là ông Vũ Văn Tý, sinh năm 1947, ở tổ 25, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Ông đi TNXP ngày 3/1/1967, đơn vị N109, P38, hoạt động trên tuyến lửa Quảng Bình, sau đó chuyển sang bộ đội công binh, đi sâu vào chiến trường. Năm 1972, trong khi làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu ở biên giới Tây Ninh, ông bị thương vào đầu, tai và hỏng cả hai mắt.

Năm 1973, ông ra Bắc, về Đoàn an dưỡng 255 quân khu Tả Ngạn với hạng thương tật 1/4, mất sức 93%. Tháng 3/1974, ông lập gia đình, đơn vị phân cho một gian nhà tập thể 18m2, bao quanh bằng cót, mái lợp phên nứa, mùa Hè nắng nóng, mùa đông giá rét. Để khắc phục khó khăn, hằng ngày ông cặm cụi đóng gạch xỉ. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, bà Huệ vợ ông tranh thủ trộn một mẻ vôi bột với xỉ than để chồng đóng gạch. Ngày nghỉ chủ nhật, hai vợ chồng cùng làm. Những ngày vợ đi làm, một mình xây nhà, lúc leo lên giàn giáo, khi xuống chuyển gạch, với người khiếm thị như ông là một thách thức không nhỏ. Trong vòng 6 tháng, ông xây xong tường bao gian nhà. Bạn bè đến thăm thấy tường thẳng tắp, mạch đẹp như thợ xây lành nghề, ai cũng khen.

Sửa nhà xong, ông Tý được Khu điều dưỡng thương binh mời đi học chữ nổi (Braille). Ngày đầu làm quen với chữ nổi quả là vất vả nhưng ông không chán nản. Sau một thời gian ngắn, ông đọc thông viết thạo chữ nổi. Do học giỏi, ông được cử làm giáo viên dạy chữ nổi cho trên 100 người hỏng mắt.

Hai vợ chồng Vũ Văn Tý và Đào Thị Huệ


Qua thông tin báo chí chữ nổi, ông Tý tìm đến trung tâm tin học Estin, đang mở khóa đào tạo tin học cho người khiếm thị. Mặc dù có phần mềm âm thanh (SAM) hỗ trợ nhưng các lệnh thực hiện đều tiếng Anh, những thuật ngữ mang tính đặc thù riêng biệt, ông Tý học càng vất vả. Với đức tính kiên trì, ham học hỏi, ông nghĩ: Học bao nhiêu cũng thiếu, hiểu bao nhiêu chẳng thừa, sau hai khóa học một năm và lớp 5 tháng cơ bản nâng cao, ông sử dụng thành thạo máy tính văn phòng, được UBND quận Cầu Giấy tặng một chiếc máy vi tính. Ông còn đến Viện y học cổ truyền dân tộc Tuệ Tĩnh theo học lớp xoa bóp, bấm huyệt. Ông tâm sự: Tôi chiến thắng được thương tật là nhờ thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ đối với TNXP: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.

Bị kẻ thù cướp mất đôi mắt nhưng ông có đôi tay vàng, ông sáng tác hàng trăm bài thơ, viết nhiều bài báo, đăng báo của hội, phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Ông được nhiều tờ báo, đài truyền hình viết bài, làm phóng sự. Dịp kỉ niệm 20 năm thành lập quận Cầu Giấy, ông Tý viết hai gương người tốt việc tốt, được trao giải Nhất.

Gia đình ông bà luôn gương mẫu, tích cực ủng hộ các quỹ từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đồng bào bị bão lụt, hằng năm được công nhận là “Gia đình văn hóa”, CCB gương mẫu, NCT mẫu mực.

Bài và ảnh Đào Quang Trí

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Lê Quang

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/nguoi-thuong-binh-giau-nghi-luc-9049.html