Kì vọng chọn đúng cán bộ đủ tầm cho chính quyền địa phương 2 cấp

10:27 | 29/05/2025 In bài biết

Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh, cấp xã) từ ngày 1/7/2025, đòi hỏi cán bộ có năng lực vượt trội, trách nhiệm cao, tư duy đột phá và sáng tạo.

Điều quan trọng và điểm then chốt làm nên thành công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là chọn đúng người đủ tầm để đảm đương nhiệm vụ mới, với mô hình mới, trên địa bàn mới. Do đó, hơn lúc nào hết, thời điểm này, việc lựa chọn cán bộ cho bộ máy hành chính mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một quyết định nhân sự đúng sẽ tạo nên bước ngoặt phát triển cho địa phương; ngược lại, nếu chọn sai người, bộ máy mới có nguy cơ vận hành kém hiệu quả, thậm chí làm sa sút, tụt hậu công cuộc đổi mới và đặc biệt là làm mất lòng Dân.

Bài học từ những lần sắp xếp đơn vị hành chính một số địa phương trước đây, khi việc bố trí nhân sự mang tính dung hòa, tình cảm, "cào bằng", chưa kể các yếu tố tiêu cực, cục bộ, lợi ích nhóm... tác động cũng vẫn còn nguyên giá trị. Hệ lụy là bộ máy mới không những không thực sự đổi mới, mà còn thiếu sự thống nhất, nảy sinh mâu thuẫn ngầm.

Kì vọng chọn đúng cán bộ đủ tầm cho chính quyền địa phương 2 cấp

Trong bối cảnh đó, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: "Không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp". Đây phải được coi là mệnh lệnh thực thi và là đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác nhân sự. Từ yêu cầu này, việc lựa chọn cán bộ không căn cứ vào "chiếc ghế cũ" mà dựa vào tiêu chuẩn, đức tài và yêu cầu nhiệm vụ của vị trí sau sắp xếp. Đơn vị hành chính cấp xã mới có quy mô dân cư lớn hơn, địa bàn rộng hơn và sẽ đảm nhận tới 90/99 nhiệm vụ của cấp huyện trước đây. Do đó, người đứng đầu bộ máy mới phải thực sự có năng lực vượt trội, có bản lĩnh thật vững vàng, có khát vọng đổi mới và dám sáng tạo để lãnh đạo, quản lí, giải quyết các vấn đề rất mới, rất khó, nhất là giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp, đột xuất, đột biến nảy sinh. Đây cũng là mục tiêu đặt ra tại Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW ngày 23/4/2025 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thành lập tổ chức Đảng tương ứng các đơn vị hành chính ở địa phương và sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, cấp xã.

Đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã có phương án về công tác cán bộ. Điểm nhấn quan trọng trong định hướng nhân sự của nhiều địa phương theo chỉ đạo của Trung ương là yêu cầu bí thư cấp ủy phải có "năng lực nổi trội" tạo ra "sản phẩm chất lượng cao" với phương châm "phi địa giới" và trên tinh thần "vì việc chọn người". Thay vì bó hẹp trong địa giới hành chính hay cơ cấu cứng, bằng chủ trương điều động cán bộ linh hoạt giữa các địa phương; luân chuyển cán bộ sở, ngành về cơ sở. Phương châm "phi địa giới" nhằm thực hiện mục tiêu tránh để xảy ra tình trạng cục bộ địa phương, đồng thời tạo ra đội ngũ cán bộ có chất lượng đồng đều, có tầm nhìn xa, rộng, am hiểu nhiều mặt, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và học hỏi sáng tạo của nhiều tầng lớp Nhân dân. Nhiều địa phương nhấn mạnh tiêu chuẩn "Có thành tích tiêu biểu, có sản phẩm chất lượng cao" nên đòi hỏi những người đứng đầu phải chứng minh năng lực bằng kết quả cụ thể, được đo lường bằng sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Nhiều nơi thứ tự ưu tiên lựa chọn bí thư cấp ủy xã, phường mới là Tỉnh, uỷ viên Thành ủy viên, bí thư, phó bí thư cấp huyện và tương đương, ủy viên Ban Thường vụ cấp huyện và các phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện... Tất cả những điều này vừa bảo đảm sự công tâm, khách quan, vừa tạo cơ hội để những cán bộ được bổ nhiệm mang đến luồng gió mới, nguồn sinh khí mới trong công tác chỉ đạo, quản lí, điều hành.

Để đạt được những yêu cầu đặc biệt quan trọng về công tác nhân sự trên đây, các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc và thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo, quy định, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình lựa chọn cán bộ thật vô tư, minh bạch, công khai và phải được công bố rộng rãi. Điều quan trọng nữa là cần có sự giám sát chặt chẽ, xử lí nghiêm minh các hành vi tiêu cực, các trường hợp lợi dụng sắp xếp để trục lợi hoặc bố trí "người thân" không đủ tiêu chuẩn.

Việc sắp xếp cán bộ còn là dịp để rà soát, đánh giá, loại bỏ tình trạng hình thức, nể nang, cục bộ, vừa nhằm phục vụ cho mục tiêu đặc biệt quan trọng trước mắt, vừa gắn chặt với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kì 2025 - 2030 và Đại hội XIV của Đảng. Trong đó, Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có đầy đủ tiêu chuẩn đức tài, bản lĩnh, uy tín của cấp chiến lược để lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bứt tốc tiến vào kỉ nguyên Tổ quốc hùng cường, xã hội văn minh, Nhân dân hạnh phúc.

Nguyễn Anh Liên

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Trần Duy Phương

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/ki-vong-chon-dung-can-bo-du-tam-cho-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-59168.html