Hoàng Cẩm Thạch đong đầy trong “Đi tìm lời ru”

13:57 | 08/04/2025 In bài biết

Qua hơn 30 năm sáng tác, xuất bản 13 tập thơ, trên 200 bài được phổ nhạc nhưng với “Đi tìm lời ru”, ở Hoàng Cẩm Thạch vẫn vẹn nguyên chất chứa đong đầy …

Chẳng thế mà bài thơ tuy đã ra đời từ năm 2008, nhưng nữ thi sĩ người xứ Nghệ đã gói gém dành dụm để làm đề tựa cho tập thơ gồm 180 bài hợp xướng xuất bản 16 năm sau. Hoàng Cảm Thạch bộc bạch: với mỗi chúng ta, người mẹ, lời ru mãi là tình cảm thiêng liêng, gần gũi, là ký ức nặng sâu cả quãng đời.

Con đi tìm lời ru của mẹ

Có cánh cò say giấc ngủ trưa nồng

Lắng tâm nghe dòng đời đang chảy

Có phù sa bồi đắp những dòng sông

Hoàng Cẩm Thạch đong đầy trong “Đi tìm lời ru”
Bìa của tập thơ "Đi tìm lời ru" xuất bản năm 2024
Và khi đã cảm thấu đầy đủ cung bậc hiếu đễ của một người con, vai trò đắm đuối của một người mẹ, Hoàng Cẩm Thạch đau đáu, trăn trở, lo ngại lòng người trong cái bộn bề của kim tiền, của tân tiến thời cuộc mà sao nhãng giữ gìn giá trị thiêng liêng thuộc về. Chị mong nguyện gửi thông điệp nhắc nhớ:

Lời ru ướt cả cơn dông

Thấm từng trang sách hồng con thủa ấy

Theo con đi tận miền đất lạ

Để con sóng về với biển mênh mông

….

Dáng ai đi chiều buông thầm lặng

Yêu con đường vắng tiếng à ơi…

Thật khó đo đếm, cắt nghĩa hết được cái sự đong đầy của Hoàng Cẩm Thạch gửi gắm trong 16 câu thơ của bài nhưng qua Đi tìm lời ru đã phác hoạ, tô đậm thêm về một Hoàng Cẩm Thạch nặng nghĩa, sâu tình trong mỗi một lời thơ dù ở chủ đề, bối cảnh, cảm hứng sáng tác nào. Ví như, lâu nay bạn đọc yêu thơ đã cảm được cái ngút ngàn, mộc mạc, xen lẫn chất liệu nguồn sống của chị khi sáng tác về biên cương, miền núi, nơi mà chị đã gắn bó, trải qua hơn 20 năm làm giáo viên ở miền Tây xứ Nghệ. Ở miền sơn cước, chị không chỉ nặng lòng gieo chữ mà còn dày công sục sạo tìm về để thấu cảm đời sống Nhân dân, dõi theo bước chân chiến sĩ biên phòng. Những tập thơ: Giá như em là biển, Thao thức trăng ngàn, Mùa Chăm pa..., trong đó nổi bật tập Phía Thượng nguồn có bài thơ phổ nhạc “Tự hào Cha - người chiến sĩ biên phòng” hẳn là dấu ấn. Hoặc như cũng bằng chính tình cảm với quê hương, đất nước, từ miền núi chị băng về biển cả với sự háo hức trải nghiệm, cảm hứng dạt dào thôi thúc để làm nên bài thơ “Tự hào Cảnh sát biển Việt Nam” (tập Mắt núi) sau đó được phổ nhạc giữ nguyên tên bài thơ và được chọn thành bài ca truyền thống ngành cảnh sát biển.

Hoàng Cẩm Thạch đong đầy trong “Đi tìm lời ru”
Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Nguyễn Hồng Sơn, tặng hoa nhà thơ Cẩm Thạch, nhân dịp giới thiệu tập thơ "Đi tìm lời Ru" tại trường THPT Mai Hắc Đế, huyện Nam Đàn.

Trở lại với tập thơ Đi tim lời ru do Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành năm 2024, với 180 bài tuyển chọn mà xuyên suốt, chủ đạo cảm hứng sáng tác vẫn là cái sâu nặng, vồn vã của Hoàng Cẩm Thạch về những nơi đi qua, những người đã gặp, về tình cảm gia đình, nhịp đập thời cuộc. Theo thể thơ tự do, mộc mạc, chị đã tạo nên những cung bậc tự sự trữ tình giàu cảm súc, khi vồ vập, lúc lại nhấn nhá nỗi niềm. Giọt đàn bà sáng tác 11/6/2024, chị như cắt cứa ruột gan:

Những nụ cưới cất tận đáy rương

Lâu ngày mốc meo kỷ niệm

Đâu rồi, nụ cười em đến

Lung linh bảy sắc cầu vồng

….

Em buồn giọt đàn bà tàn đông

Buốt thấu hoàng hôn

Nụ cười anh đủ ấm

Ru tâm hồn cô đơn

Rồi khi về với Truông Bồn huyền thoại, chị như nấc nghẹn trong "Hoa thắm Truông Bồn":

Ngày trở về, tiếng sét đau thương

Em ở đâu trong lòng đất mẹ?

Trời Truông Bồn vẫn xanh trong thế

Mà lòng người, đôi mắt cay cay

Nhưng ở bài: "Về Hội Mường cùng em", chị lại như mừng reo đón đợi:

Tiếng cồng vang chín núi

Tiếng chiêng ngân mười mường

Hội Mường Ham huyền thoại

Bóng ai trong mờ sương

Vậy mới thấy nguồn mạch, chất liệu sáng tác của nhà thơ quê ở Hưng Tân, Hưng Nguyên Hoàng Cẩm Thạch phong phú, sâu thẳm đến chừng nào. Như có lần chị tâm sự: “Càng viết, tôi càng thấu hiểu thơ là người. Tôi yêu từ bông hoa, thiên nhiên cây cỏ, từ con người, mảnh đất quê hương cho đến các vùng miền tôi đã đi qua trên đất nước này. Tất cả những tình cảm, những trải nghiệm, những cảm xúc đó hun đúc lại, thấm vào trong tôi, tích tụ rồi trả lại qua con chữ. Tôi cứ viết để giải tỏa những nỗi niềm trong mình; viết để cân bằng tâm hồn, cuộc sống; viết như một sự trả nợ với những gì mà con người, cuộc đời, cảm xúc mang đến cho tôi”.

Hoàng Cẩm Thạch đong đầy trong “Đi tìm lời ru”
Nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch tặng quà Tết cho hộ nghèo xã biên giới Nhôn Mai, xã Mai Sơn

Dẫu nói vậy, nhưng ở nhà thơ là hội viên, Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam; Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An đâu chỉ dừng lại “trả nợ” qua thi ca cảm xúc mà ở chị còn là những chuỗi việc làm thiết thực cũng rất đỗi đong đầy. Xin được trích ngang đôi dòng để độc giả hiểu thêm về Hoàng Cẩm Thạch thơ và đời. Trong phần “Tấm lòng của một nhà thơ Xứ Nghệ”, Nhà báo- Nhà thơ Nguyễn Liên viết: Từ đó chị lại có thêm nhiệm vụ đặt vấn đề với các tổ chức đoàn thanh niên phối hợp với đồn biên phòng Tam Quang, cùng tổ chức Tết Trung thu cho các em. Lời thơ lan xa, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, Đài truyền hình tỉnh Nghệ An, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã giới thiệu về Cẩm Thạch kèm theo những câu thơ, chị đi làm thiện nguyện giúp đỡ đồng bào biên giới, lập tức có nhiều cá nhân và tổ chức khắp cả nước cùng chia sẻ lòng nhân ái…

Cứ như vậy, qua những việc làm, những chuyến đi đã bồi đắp, làm giàu thêm cảm súc, chất liệu trong mỗi lời thơ của Hoàng Cẩm Thạch,“Đi tìm lời ru” là một hiện sinh.

Lê Mạnh - Đoàn Cửu

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Trần Duy Phương

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/hoang-cam-thach-dong-day-trong-di-tim-loi-ru-58363.html