17:17 | 03/04/2025 In bài biết
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế nay đã 90 tuổi. Cụ thành thạo nghề làm tranh Đông Hồ từ khi là một cậu bé lên 10 và đã gắn cuộc đời mình với mỹ thuật, với nghề tranh “cha truyền con nối”. Cụ Chế đã dành phần lớn cuộc đời mình để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề làm tranh dân gian Đông Hồ - nét văn hóa truyền thống quý báu mang đậm bản sắc dân tộc Việt, tâm hồn Việt.
![]() |
"Đám cưới chuột" là bức tranh Đông Hồ được rất nhiều người yêu thích |
Cuộc đời gắn với Mỹ thuật và nghề tranh
Cụ Chế sinh năm 1936, tại thôn Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành (nay là khu phố Đông Khê phường Song Hồ, Thị xã Thuận Thành), tỉnh Bắc Ninh; là đời thứ 20 của dòng họ Nguyễn Đăng làm nghề tranh Đông Hồ.
Từ khi lên 10 tuổi, cụ Chế đã được người cha tài hoa là cụ cố Nguyễn Đăng Tụy (1898 - 1959) nghiêm khắc truyền dạy tỉ mỉ, thành thạo các bước làm tranh Đông Hồ. 18 tuổi, cụ Chế bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng và được kết nạp Đảng năm 19 tuổi. Nối tiếp những năm tháng tuổi trẻ của cuộc đời, cụ Chế theo học trường Trung cấp Mỹ nghệ Hà Nội (nay là trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội), sau đó làm công tác giảng dạy tại Trường. Năm 1972, cụ Chế chuyển công tác về Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Đến năm 1986, cụ Chế công tác tại Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc và về nghỉ hưu năm 1992.
![]() |
Bức tranh "Bác Hồ với thiếu nhi" của cụ Chế đạt giải nhất Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1970 |
![]() |
Bức tranh "Phụ nữ ba đảm đang" của cụ Chế đạt giải Nhì Hội văn nghệ dân gian Việt Nam năm 1972 |
Cụ Chế đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; Giải nhất Hội Mỹ thuật Việt Nam (1970), Giải Nhì Hội văn nghệ dân gian Việt Nam (1972), danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; …
Cả sự nghiệp công tác, cụ Chế luôn gắn bó, say mê với Mỹ thuật. Thấy nghề làm tranh dân gian của quê hương đang dần mai một, trong sâu thẳm tâm hồn người con làng Đông Hồ ấy vẫn luôn đau đáu, khắc khoải một nỗi niềm: Phải giữ lấy nghề truyền thống của cha ông.
Góp phần làm sống lại nghề tranh Đông Hồ
![]() |
Một số bản khắc cổ được trưng bày bên trong không gian "Nhà trưng bày" của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế |
![]() |
Những bản khắc mới dùng để in tranh và các dụng cụ sử dụng trong quá trình làm tranh |
Được nghỉ chế độ hưu, cụ Chế bắt đầu dồn hết tâm sức vào nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Cụ dành nhiều thời gian, bỏ công sức, tiền của để đi nhiều nơi, nhiều vùng miền, sưu tầm và cùng con cháu phục chế được hơn 100 bản khắc cổ, hàng ngàn bản khắc mới với hơn 250 mẫu tranh các loại. Những bức tranh Đông Hồ sản xuất từ gia đình cụ Chế bắt đầu xuất hiện với số lượng ngày càng nhiều và vươn ra thị trường. Nghề tranh dần sống lại.
Để gìn giữ, bảo tồn, phát huy tốt hơn nữa nghề truyền thống và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, năm 2006, cụ Chế thành lập Doanh nghiệp Tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế. Có sự quyết tâm của cụ Chế cùng gia đình, mọi khó khăn về vốn, về nguyên liệu, về đầu ra cho sản phẩm….rồi cũng dần qua đi. Doanh nghiệp tranh đã gặt hái được nhiều thành công, đem lại những giá trị cả về vật chất và tinh thần xứng đáng với những cố gắng, nỗ lực của gia đình cụ Chế.
Đặc biệt, năm 2013, nhờ rất nhiều công sức và tâm huyết của cụ Chế cùng các nghệ nhân trong làng, “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, mở ra một thời kỳ mới với nhiều triển vọng. Và từ đây, những bức tranh dân gian Đông Hồ do cụ Chế và các con cùng làm, khắc họa ước mơ ngàn đời của người Việt về cuộc sống gia đình thuận hòa, ấm no, hạnh phúc; về một xã hội công bằng, tốt đẹp … đã vươn tới mọi miền đất nước, đến cả với bạn bè quốc tế mang theo nét văn hóa Việt, tâm hồn Việt trong trẻo, nhân hậu, gần gũi, thân thương.
![]() |
Tranh khắc gỗ "Chăn trâu thổi sáo" |
![]() |
Bộ tranh khắc gỗ "Tứ quý sáo" |
Song song với các bức tranh in bằng các bản khắc gỗ trên giấy dó, gia đình cụ Chế đã sản xuất rất nhiều tranh khắc gỗ bán ra thị trường với nhiều kích cỡ, phù hợp với nhu cầu của người chơi tranh. Loại tranh khắc trên ván gỗ này xuất hiện từ năm 1975, do các nghệ nhân làng Đông Hồ sáng tạo ra. Tranh được khắc dương bản, phủ nét đen lên hình. Những bức tranh này rất được ưa chuộng vì mang tính nghệ thuật cao, có độ bền cao. Người chơi tranh không chỉ được thưởng thức nội dung bức tranh Đông Hồ, mà còn được chiêm ngưỡng cả nghệ thuật chạm khắc công phu, điêu luyện của nghệ nhân.
![]() |
Ngày nay, người chơi tranh cũng rất sáng tạo, mời họa sĩ vẽ những bức tranh Đông Hồ với kích thước lớn lên tường để trang trí cho phù hợp với không gian rộng |
Tiếp tục truyền nghề để gìn giữ tranh Đông Hồ cho những đời sau
Vợ chồng cụ Chế sinh được 6 người con cả trai và gái. Cũng như cha mình, cụ Chế truyền dạy tỉ mỉ, cẩn thận nghề làm tranh cho các con, để các con nối nghiệp. Được sự chỉ bảo tận tình của cụ Chế, hiện tại, có 8 người con (cả dâu và rể) của cụ cùng tập trung làm tranh Đông Hồ và sống được với nghề. Có 03 người con của cụ đã được phong danh hiệu Nghệ nhân là: bà Nguyễn Thị Phương, ông Nguyễn Đăng Tâm và bà Trần Thị Tố Tâm. Ngoài những mẫu tranh của cha ông xưa lưu truyền lại, các nghệ nhân đã sáng tạo thêm nhiều mẫu tranh mới, kích thước lớn, phù hợp với cuộc sống hiện đại và thị hiếu khách hàng.
![]() |
Sản xuất tranh Đông Hồ khổ lớn theo nhu cầu của khách hàng |
Vì sao dòng tranh Đông Hồ (tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ) được sáng tác bởi những “họa sĩ nông dân” tay cày, tay bút mà vẫn có sức sống mãnh liệt, cha truyền con nối từ thế kỉ thứ XVII đến nay ?
Nguyên nhân chắc chắn vì tranh Đông Hồ chính là những nét tái tạo, khắc họa cuộc sống một cách chính xác, hồn nhiên, sống động, chân thật đến bất ngờ. Mỗi bức tranh đều thể hiện sự sáng tạo, tài hoa của người nghệ nhân, thể hiện rõ chủ đề muốn biểu đạt một cách mộc mạc với cái thần, cái hồn của sự vật bằng những nét ngây thơ, trong trẻo, dí dỏm, đáng yêu như: Tranh Đám cưới chuột, Hứng dừa, Mục đồng, Lợn đàn, Gà đàn, Cá chép trông trăng …
![]() |
Du khách đến thăm quan tại khuôn viên nhà cụ Chế sẽ được chiêm ngưỡng hàng ngàn bức tranh Đông Hồ, tìm hiểu về quy trình sản xuất tranh và chọn mua những bức tranh ưng ý |
![]() |
"Nhà trưng bày" là nơi cụ Chế trưng bày các bản khắc tranh, các dấu ấn về tranh Đông Hồ, giới thiệu với du khách quy trình sản xuất tranh |
![]() |
Cụ Chế dành một không gian rộng để trưng bày các sản phẩm tranh Đông Hồ đủ các kích cỡ để du khách thưởng thức và có thể chọn mua về làm kỉ niệm, làm quà tặng |
![]() |
Ở tuổi 90, cụ Chế vẫn rất minh mẫn, thường xuyên gặp gỡ du khách, trò chuyện với khách về tranh Đông Hồ |
Nói về tranh Đông Hồ, cụ Chế rất thích hai câu thơ của nhà thơ Hoàng Cầm trong bài Bên kia sông Đuống: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
Quả thật để dùng từ ngữ mà tả nội dung và vẻ đẹp của tranh Đông Hồ thì hai câu thơ này đã tả vô cùng chân thực, sinh động, cụ thể và chính xác. Tranh Đông Hồ có tranh gà, tranh lợn, sử dụng giấy dó có quét bột vỏ điệp. Màu sắc của tranh được chế tạo bằng phương pháp thủ công truyền thống, từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên nên những bức tranh mang nét tươi tắn, rạng rỡ, trong trẻo. Chính nhờ cái “nét tươi trong” ấy mà những ai đã từng nhìn tranh Đông Hồ một lần, chắc chắn sẽ không thể nào quên được. Và ở tuổi 90, tại quê hương tranh dân gian Đông Hồ, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế vẫn đang miệt mài cùng con cháu từng ngày gìn giữ “nét tươi trong”.
Tâm Ánh
TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE
Hội Người cao tuổi Việt Nam
Tổng biên tập: Lê Quang
Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.
Liên hệ: Tòa soạn
Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/nguoi-miet-mai-gin-giu-net-tuoi-trong-58298.html