10:13 | 10/03/2025 In bài biết
Trong phiên họp Bộ Chính trị ngày 28/2, Bộ Chính trị quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước, thực hiện từ đầu năm học mới 2025-2026. Ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương) phải chi trả để thực hiện chủ trương miễn học phí cho các đối tượng nêu trên khoảng 30.000 tỉ đồng.
30.000 tỉ đồng là một con số rất lớn, thừa để xây hai cây cầu Tứ Liên và Trần Hưng Đạo qua sông Hồng mà Hà Nội đang chuẩn bị xây dựng. Tuy vậy, nếu tính số tiền mà phụ huynh cần nộp cho con em trong một năm học, chẳng hạn như học thêm, quỹ trường, quỹ lớp… thì tiền học phí lại là con số tương đối… nhỏ.
Đầu năm học dù ít hay nhiều thì mỗi học sinh cũng cần nộp tiền triệu, có trường lên đến hàng chục triệu đồng/học sinh. Rồi những khoản chi “đột xuất” như tham quan, trải nghiệm, đồng diễn, tổ chức văn nghệ… cũng đều là những món không nhỏ. Nhiều trường mẫu giáo tại Hà Nội mỗi năm đều ít nhất tổ chức một chuyến giã ngoại trải nghiệm cho các cháu 3-4 tuổi.
Hay như năm trước có trường tại TP Hồ Chí Minh dự định quyên góp “tự nguyện” mỗi học sinh hàng chục triệu đồng để thuê đạo diễn tổ chức một tiết mục văn nghệ của học sinh nhân sự kiện riêng… Nếu thống kê những đóng góp đó của phụ huynh học sinh trên cả nước có thể con số không chỉ hàng chục nghìn tỉ đồng như tổng số tiền học phí một năm kể trên. Những thứ “phí” này quả là quá lãng phí, cần được nhìn nhận nghiêm túc, nhất là hiệu quả thực sự nó mang lại cho các em học sinh.
Trước thực trạng lãng phí trong cả nước, vào tháng 10 năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng. Trong bài viết, Tổng Bí thư nhận định: “Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.
Có thể thấy, lãng phí trong môi trường giáo dục cũng diễn ra khá phổ biến với nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra những hệ lụy không tốt, trước tiên là hình ảnh của môi trường giáo dục.
Hi vọng lãnh đạo ngành Giáo dục, lãnh đạo từng địa phương sẽ quan tâm tới những thứ “phí phạm” dưới mái trường để hưởng ứng kêu gọi của Tổng Bí thư về chống lãng phí.
Đinh Hoàng
TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE
Hội Người cao tuổi Việt Nam
Tổng biên tập: Lê Quang
Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.
Liên hệ: Tòa soạn
Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/loai-bo-lang-phi-57914.html