Ngày Xuân kể “tục lạ”

08:00 | 30/01/2025 In bài biết

Dân tộc Thổ sinh sống chủ yếu ở miền Tây tỉnh Nghệ An, có tục “ngủ mái”. Đây là tục lệ phổ biến và lâu đời cho phép con trai, con gái, trong những dịp hội hè, lễ, Tết được nằm tâm tình với nhau.

Tục “ngủ mái”, “ngủ sim” và “cạy cửa ngủ thăm”...

Dân tộc Thổ sinh sống chủ yếu ở miền Tây tỉnh Nghệ An, có tục “ngủ mái”. Đây là tục lệ phổ biến và lâu đời cho phép con trai, con gái, trong những dịp hội hè, lễ, Tết được nằm tâm tình với nhau. 1 người con trai có thể nằm trò chuyện với 3-4 người con gái và ngược lại, có thể nhiều cặp cùng ngủ hoặc một cặp ngủ riêng. Những đêm ngủ như vậy là kỉ niệm trong sáng trong đời sống con người ở đây, bởi vì họ rất quý mến nhau mà lại tôn trọng lẫn nhau. Từ những đêm “ngủ mái”, các lứa đôi dần dần có tình cảm lẫn nhau rồi dẫn đến hôn nhân.

Còn dân tộc Vân Kiều ở tỉnh Quảng Trị và một số dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nước ta, có tục “ngủ sim”, và “cạy cử ngủ thăm”. Vào những đêm trăng sáng, những cặp trai gái người dân tộc thiểu số nói trên có thể cùng nhau lên những chòi canh rẫy trên núi để cùng “ngủ sim”, “ngủ mái”, hoặc đến nhà cô gái mình để ý rồi “cạy cử vào tận giường cô gái “ngủ thăm” để tâm sự, giao duyên với nhau. Tuy nhiên gần như không có chuyện đôi trai gái người dân tộc vượt qua “làn ranh đỏ”. Sau “ngủ sim” có thể đôi bạn trẻ sẽ có điều kiện hiểu nhau hơn và kết thành vợ chồng.

Ngày Xuân kể “tục lạ”

Tục nấu bánh chưng đen tối 29 và bánh chưng trắng đêm 30 Tết

Dân tộc PuPéo sống tập trung ở ven biên giới Việt - Trung, thuộc các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Tết Nguyên đán, người PuPéo có tục gói bánh chưng đen vào tối 29 Tết để kết thúc năm cũ, và gói bánh chưng trắng vào tối 30 Tết để mừng năm mới, họ dùng bánh chưng trắng để cúng tổ tiên.Sáng mùng 1 Tết, có tục nam nữ đi gánh “nước vàng, nước bạc”. Trong ba ngày Tết, sau bữa cơm, người PuPéo kiêng không rửa bát đũa, mỗi lần đến bữa chỉ dùng giấy lau sạch, vì họ tin rằng nếu rửa bát đũa đầu năm mới thì nước sẽ to, mưa nhiều làm trôi hết đất màu mỡ trên nương rẫy.

Lễ trình nghề đầu năm

Các làng Đồng Vệ và Bích Đại, tỉnh Vĩnh Phúc có tục “trình nghề” vào mùng 4 và mùng 5 tháng Giêng. Theo lệ, mỗi nhà nông trong các làng này phải làm một con trâu bằng rơm đem ra sân đình để làm lễ. Trâu giả được buộc vào một cái cày có lưỡi cày bằng gỗ, rồi một người đàn ông kéo trâu đi quanh sân đình, một người đàn ông khác cầm cày đi theo sau. Trong lúc đó, một thiếu nữ dưới 17 tuổi bưng một thúng trấu theo sau rắc vãi, giả làm thóc giống. Lại có hai người đàn ông cải trang thành phụ nữ và hai người cải trang thành con trai đi theo.

Vui chơi, ca hát khi nhà có tang lễ

Dân tộc Sila ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu sống bằng trồng trọt, săn bắn, hái lượm. Người Sila ở nhà trệt như người kinh, khác là họ lại đặt bếp lửa chính giữa nhà. Phụ nữ ăn mặc khá đặc biệt là ở giữa mảng ngực áo may bằng vải khác màu, gắn đầy xu bạc, xu nhôm. Khăn đội đầu của nữ cũng khác nhau theo lứa tuổi. Các cô, các chị thường đeo túi bện bằng dây rừng, được trang trí những sợi chỉ đỏ sặc sỡ. Người Sila kiêng ăn thịt mèo. Họ làm lễ cưới hai lần, lần sau cách lần trước khoảng một năm. Đặc biệt, theo phong tục Sila, khi có người chết họ tổ chức vui chơi, ca hát, không có tiếng khóc…

Tục rửa mặt xả xui, đón may mắn

Đồng bào Thái ở các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa có tục rửa mặt (gọi là Xuôi giáp Pápi) vào sáng mùng Một Tết. Già trẻ, gái trai trong bản ra suối hoặc ra các mé nước. Trên đường đi, họ với tay bẻ một cành cây, thường là một cành ổi hoặc là một cành bông hôi. Mỗi người cúi xuống hớp một ngụm nước suối súc miệng rồi rửa mặt. Đoạn họ nhúng cành ổi xuống suối rồi vẩy nước lên khắp mình, vừa đọc lẩm nhẩm những câu ca. Sau đó, họ buông cành ổi cho trôi theo dòng nước.

Cách tính tuổi bằng... tiếng sấm sét

Người Ơ Đu sống ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có tục ở rể. Nếu nhà trai nộp đủ một số tiền thì hạn ở rể chỉ một năm. Cách tính năm của người Ơ Đu bắt đầu từ ngày có tiếng sấm đầu Xuân. Con cái họ sinh ra đến khicó tiếng sấm thì được tính thêm một tuổi… Ngày sấm ra khi xưa là ngày hội to nhất trong năm. Ngày đó, trên bãi bằng sau bản Xốp Dột, người Ơ Đu các nơi kéo về mở hội tế trời đất, mổ trâu, mổ lợn ăn mừng.

Tục bắt vợ, cướp vợ, kéo vợ...

Người Cờ Lao có tục cưới hỏi rất lạ. Bên cạnh cưới xin chính thức vẫn còn tồn tại tục “kéo vợ” hay “cướp vợ”. Trong ngày cưới, chú rể người Cờ Lao Xanh phải mặc áo xanh quấn khăn đỏ qua người. Cô dâu về đến cổng nhà trai phải búi tóc ngược lên đỉnh đầu và muốn vào cổng, cô dâu phải làm bể một cái chén, một cái muỗng bằng gỗ mà nhà trai đã để sẵn trước cổng. Ở người Cờ Lao Đỏ, cô dâu chỉ ngủ lại ở nhà chồng đêm tân hôn, sáng hôm sau trở về nhà bố mẹ đẻ và cả năm không trở lại nhà chồng.

Sông Côn

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Lê Quang

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/ngay-xuan-ke-tuc-la-57409.html