13:35 | 09/01/2025 In bài biết
Từ năm 1960 đến nay, mỗi lần Tết đến, Xuân về chúng ta lại nhớ đến Tết trồng cây mà Bác khởi xướng là từ mùa Xuân 1960, Bác Hồ phát động Tết trồng cây. Trong một bài viết về kêu gọi toàn dân hưởng ứng. Bác có viết hai câu thơ nay đã đi vào tâm thức mọi người và trở thành thuần phục như ca dao, tục ngữ: "Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân".
Và cũng từ ngày tháng năm 1960 trở lại đây, trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam có thêm một cụm từ TẾT TRỒNG CÂY. Đây là cái Tết thứ hai sau Tết Nguyên đán và tiếp đến là hàng chục cái Tết: Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu...
![]() |
Ảnh tư liệu |
Như chúng ta đã biết, một trong phong cách, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là đã nói là làm, đã viết là thực hiện. Lí luận đi đôi với thực tiễn. Chiều 11/1/1960, để mở đầu Tết trồng cây, Bác đã trồng cây đa đầu tiên ở Công viên Lênin. Năm sau, ngày 5/2/1961, Bác trồng cây đa ở khu hồ Tây, nơi dựng tượng Lý Tự Trọng, ở Đông Anh trên rừng Thông Nhai vào ngày 3/2/1963. Ở Đông Hội ngày 31/1/1965 và cùng ngày ở Phú Diễn, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Ngày 16/2/1969 sau Tết Kỷ Dậu (1969), Bác lên xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, nay thuộc TP Hà Nội) trồng đa. Đây là cây đa cuối cùng trước lúc Bác đi xa… Xã Vật Lại có một khu đồi có tên là đồi Yên Bồ, nơi đây là đồi trọc. Ý Bác lên trồng cây ở đây để muốn cho Nhân dân trong khu vực sẽ làm theo, biến đồi trọc thành đồi xanh, trồng nhiều cây lấy gỗ. Sau 50 năm, cạnh đồi Yên Bồ nay đã trở thành khu du lịch, công viên văn hóa. Tiếp những năm sau đó, ngày Bác trồng cây ở Vật Lại, các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Thọ cũng lần lượt lên Vật Lại trồng cây. Người dân ở Vật Lại không chỉ trồng cây lấy gỗ mà còn trồng các loại cây ăn quả, lấy hoa… phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Như vậy, kể từ năm Bác khởi xướng Tết trồng cây 1960 đến 1969 đã 6 lần Bác trực tiếp tham gia trồng cây. Có điều rất đặc biệt cả sáu lần ở sáu địa điểm nói trên Bác đều trồng cây đa mà không trồng loại cây nào khác.
Cây đa có ý nghĩa gì mà Bác chọn trồng?
Cây đa là biểu tượng của làng quê Việt Nam từ xa xưa cho đến hôm nay và mãi mãi về sau: "Cây đa, bến nước, sân đình". Nó cũng là biểu tượng của sức sống lâu bền trường thọ, tỏa bóng mát sum suê. Hầu hết ở cạnh những ngôi đình, chùa Việt Nam thường trồng hai loại cây: Cây đa và cây si là lẽ đó. Riêng đối với Bác Hồ, ngay từ ngày đầu cách mạng tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã chọn địa điểm cây đa Tân Trào, bên cạnh đình Hồng Thái là nơi họp Quốc dân Đại hội, quyết định tổng khởi nghĩa tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Trồng đa là trồng cây cho muôn đời sau. Sau này, năm 1982, Liên Hợp Quốc đã chọn cây đa là biểu tượng cho người cao tuổi. Lạ kì thay, tất cả các cây đa mà Bác Hồ trồng, tuy đã trên dưới 56 năm, cây nào cũng tươi tốt, tỏa bóng mát sum suê, bền vững. Người dân ở mọi nơi nhìn cây đa Bác trồng thường nói "Bóng đa là bóng Bác" hoặc như lời bài hát "Trông cây lại nhớ đến Người".
Kể từ ngày Bác trồng cây đa ở Vật Lại đến nay tròn 56 năm. Năm nay chúng ta kỉ niệm lần thứ 60 năm ngày Bác viết di chúc và 65 năm Bác Hồ khởi xướng Tết trồng cây cũng là năm Nhân dân xã Vật Lại (Ba Vì, Hà Nội) kỉ niệm 56 năm Bác Hồ về trồng cây đa ở nơi này. Nhân Tết trồng cây - mùa Xuân Ất Tỵ 2025 - chúng ta lại nhớ Bác - nhớ những cây đa Bác trồng.
Lê Hồng Bảo Anh
TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE
Hội Người cao tuổi Việt Nam
Tổng biên tập: Lê Quang
Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.
Liên hệ: Tòa soạn
Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/nhung-cay-da-bac-trong-57131.html