Người cao tuổi với Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay

09:30 | 26/12/2024 In bài biết

Tại xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh vừa diễn ra Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay lần thứ III năm 2024 với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm nét đặc trưng văn hóa dân tộc Sán Chay

Tại xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh vừa diễn ra Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay lần thứ III năm 2024 với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm nét đặc trưng văn hóa dân tộc Sán Chay, như: Giao lưu về làn điệu Soóng cọ, múa Tắc Xình, múa Xúc tép,... giữa các nghệ nhân trên địa bàn huyện; trình diễn các nghi thức, văn hoá dân gian của người Sán Chay như nghi lễ đón dâu và nghi thức cấp sắc; trình diễn thêu hoa văn, biểu diễn đan các con vật bằng lá cọ, đan quạt cọ, đan lồng, đan xúc,...; trưng bày không gian văn hóa dân tộc Sán Chay, gồm nhà sàn truyền thống và các dụng cụ lao động sản xuất; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản của địa phương; thi ẩm thực truyền thống, như thi làm bánh dày, thi gói bánh gio, bánh vắt vai, bánh coóc mò; thi trưng bày mâm lễ đẹp.... và tổ chức các trò chơi dân gian phục vụ du khách gần, xa.
Thi gói bánh Cóoc mò.
Thi gói bánh Cóoc mò.

Người Sán Chay hiện chiếm hơn 18% dân số huyện Ba Chẽ. Xã Thanh Sơn có đông người Sán Chay nhất, chiếm tới 57,66% dân số trong xã. Theo ông Lục Văn Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch MTTQ xã Thanh Sơn, người được coi là hiểu biết nhất về dân tộc Sán Chay, trước đây con trai, con gái Sán Chay gặp nhau đều hát Sóong cọ, bên bìa rừng, bên dòng suối, cứ thấy vui là hát. Trong các đám cưới của dân tộc Sán Chay đều hát giao duyên và nhiều hoạt động vui nhộn khác. Thế nhưng phong tục này đang bị mai một dần, rất cần phải khôi phục lại.

Từ năm 2022, huyện Ba Chẽ tổ chức Ngày hội Thể thao - Văn hóa của người Sán Chay lần thứ I và từ đó cho đến nay, ngày hội vẫn được duy trì hằng năm. Cụ Vi Thị Sen, 80 tuổi vui vẻ nói: “Tôi thật vui khi thấy được con cháu đã không quên những gì tốt đẹp của ông bà xưa. Nhiều phong tục tập quán, dẫu chúng tôi có kể lại thì con cháu cũng khó hình dung được, nhưng qua thông ngày hội mọi người đều nhìn thấy rất rõ”.

Nhiều NCT dân tộc Sán Chay vẫn kiên trì bảo tồn những giá trị truyền thống dân tộc. Để phục hồi các trang phục của dân tộc Sán Chay, bà Vi Thị Mai, ở thôn Khe Lò, xã Thanh Sơn quyết định bán một con trâu để lấy tiền mua máy khâu. Và từ đó bà gắn cuộc sống của mình với việc may vá quần áo và thêu hoa văn trên trang phục cho người Sán Chay trong xã, trong huyện. Ngoài ra, bà Mai còn rất chú trọng việc truyền nghề cho lớp trẻ. Trong thôn ai có nhu cầu học, bà đều truyền dạy tận tình, để nhiều người biết may thêu các bộ trang phục truyền thống, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc, rồi lại truyền tiếp cho thế hệ mai sau.

Nhiều NCT Sán Chay cũng đóng góp ý tưởng, hay những hiểu biết, giúp những ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay được sâu sát hơn, sinh động hơn, để con cháu ngày càng thêm yêu những truyền thống của ông bà mình xưa.

Công Thành

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Lê Quang

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/nguoi-cao-tuoi-voi-ngay-hoi-van-hoa-dan-toc-san-chay-56914.html