Thương mẹ tuổi già

09:18 | 25/10/2024 In bài biết

Mẹ tôi đã 74 tuổi. Dù bây giờ mẹ không còn phải làm lụng nặng nhọc, bươn chải như xưa, nhưng bao vất vả một thời như đã khảm vào dáng hình của mẹ.

Mẹ vẫn dáng người mảnh khảnh, nước da đen sạm, đôi bàn tay móng cùn cũn, đôi chân nứt nẻ. Tóc mẹ chẳng còn dày như xưa và từng sợi vẫn còn vàng xơ màu nắng. Khuôn mặt mẹ ngày một thêm những vết chân chim... Ngay đến cả cái ăn cái mặc bây giờ, mẹ vẫn không quen ăn sung mặc sướng, dù cho con cái có chu cấp đủ đầy! Thậm chí, tiền con cháu cho, kiểu gì mẹ cũng dành dụm rồi cho lại con cháu vào dịp này dịp khác.
Thương mẹ tuổi già

Những ngày trái gió trở trời, mẹ lại nhức mỏi, xây xẩm, chóng mặt,… Đôi mắt mẹ đã mờ đục, đôi tai mẹ cũng chẳng còn nghe rõ như trước. Dù không còn việc gì quan trọng, nhưng mẹ cũng chẳng ngủ được là bao; dù không còn thiếu cái ăn như xưa, nhưng mẹ cũng chẳng thể ăn được nhiều. Mẹ vẫn nhớ như in từng bài thơ, những câu ca dao, tục ngữ xưa, nhưng lại chẳng thể nhớ nổi chùm chìa khóa nhà mới cầm trên tay mà giờ không biết đã để ở đâu, hay lúc cứ hỏi đi hỏi lại một câu nào đó khi trò chuyện... Mỗi lần con cái điện về hỏi thăm, an ủi, mẹ thường bảo: “Bệnh của tuổi già ấy mà, các con đừng có lo!”. Dẫu biết thế, nhưng vẫn thấy thương, mơ hồ với những nỗi lắng lo về mẹ!

Tôi thương mẹ tuổi già chẳng thể đi đâu xa, chẳng còn nhiều sức khỏe để làm việc này việc khác. Còn nhớ, chỉ với đôi chân trần, đôi dép nhựa rẻ tiền, mẹ tôi đã từng cuốc bộ hết làng trên xóm dưới, thậm chí qua xã này xã khác, hay xuống tận thành phố để bán từng gánh khoai kĩu kịt trên vai. Những ngày mưa ngập đồng hay những trưa Hè rát nắng, mẹ vẫn luôn tay với ruộng vườn. Đó là mẹ của mấy mươi năm về trước, khi anh em tôi đang còn tuổi ăn tuổi học. Giờ thì, đôi chân mẹ chỉ có thể quanh quẩn trong nhà; nhiều việc, mẹ đành phải cậy nhờ, phụ thuộc vào người khác. Và tôi chỉ sợ mẹ nghĩ ngợi, buồn phiền trước những biểu hiện của tuổi già.

Có lúc nhìn mẹ, tôi lại tưởng tượng ra viễn cảnh khi mình về già. Lòng chợt nghĩ, khi ta còn trẻ, hãy đặt mình vào vị trí của người già để thấu hiểu; để có cái nhìn độ lượng, cảm thông hơn đối với những biểu hiện của tuổi già. Thế hệ trẻ cần phải quan tâm, trân trọng người cao tuổi, vì họ cần và xứng đáng được như thế. Đó cũng là cách ứng xử nhân văn, là truyền thống, đạo lí tốt đẹp của dân tộc!

An Viên

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Trần Duy Phương

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/thuong-me-tuoi-gia-55809.html