NCT huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang tích cực giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc

09:56 | 02/07/2024 In bài biết

Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ không chỉ trọng trách của các cấp, các ngành, mà còn là trách nhiệm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Trong đó NCT có vai trò vô cùng quan trọng. Ở huyện Sơn Động, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, NCT là đồng bào dân tộc thiểu số, người uy tín, nghệ nhân dân gian đang ngày ngày gìn giữ và trao truyền cho thế hệ sau vốn văn hóa quý báu của dân tộc mình…

Đã ở “tuổi xế chiều” nhưng ông Bàn Văn Cường, ở thị trấn Tây Yên Tử vẫn miệt mài truyền dạy văn hoá và chữ viết của dân tộc Dao cho nhiều người trong xã. Việc làm của ông đã góp phần khôi phục và bảo tồn văn hoá dân tộc Dao. Ông Cường tâm sự: “Năm 2007, sau khi nghỉ hưu, tôi thấy nhiều con cháu trong xã ít nói tiếng dân tộc mình. Tôi suy nghĩ sẽ truyền dạy cho các cháu về con chữ và phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Cũng từ đó, tôi được xã tạo điều kiện mở các lớp dạy học chữ Dao cho con em dân tộc. Ban đầu, lớp học chỉ có khoảng 7 cháu, sau đó, học sinh tăng dần lên. Có những năm, tôi dạy tới 2 , 3 lớp học sinh”.
Già làng Đảm Xuân Tình dạy chữ dân tộc cho các em học sinh.
Già làng Đảm Xuân Tình dạy chữ dân tộc cho các em học sinh.

Ngoài việc truyền dạy chữ Dao, ông Cường còn lặn lội đến các bản người Dao ở Quảng Ninh, Thái Nguyên để học tập và biên tập các chữ Nôm Dao, các sách cổ của người Dao phục vụ cho việc dạy học. Năm 2010, ông Cường được Trung tâm vì Sự phát triển bền vững của miền núi mời cộng tác, tham gia dự án "Bảo tồn và phát triển tri thức bản địa các dân tộc thiểu số Việt Nam". Trong đó ông Cường sưu tập, biên soạn "Bộ sách dạy và học chữ Dao Việt Nam". Đây là bộ sách cổ, viết bằng chữ Hán - Nôm đã có từ hàng trăm năm, được người Dao sử dụng trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng và xã hội, thể hiện một phần bản sắc văn hóa và lịch sử phát triển của dân tộc Dao ở Việt Nam.

Cũng với tâm huyết ấy, nhiều năm qua, cụ Đàm Xuân Tình, 87 tuổi, dân tộc Cao Lan, thôn Đồng Bây, xã An Lạc truyền dạy cho hàng chục cháu ở thôn, biết về chữ, tiếng nói của dân tộc Cao Lan. Với cụ, việc hiểu và biết về chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình là điều thiêng liêng. Cụ Tình tâm sự: “ Mỗi khi nghỉ Hè tôi lại đảm nhận việc dạy chữ, tiếng nói của dân tộc Cao Lan cho các cháu trong thôn. Ba năm qua, tôi dạy được gần 50 cháu. Nhiều cháu ở thôn, xã khác cũng đến học. Hiện thôn đang duy trì được 2 lớp truyền dạy tiếng Cao Lan; mỗi lớp gần 20 học viên, học vào buổi sáng ngày Chủ nhật hằng tuần, chủ yếu là các cháu đang học bậc THCS”.

Lặng lẽ, âm thầm hơn 10 năm qua, bà Bàn Thị Bình, 66 tuổi, dân tộc Dao, ở xã Thanh Chung, ngày ngày truyền dạy cho các em, cháu trong xã biết được cách may thêu trang phục truyền thống của dân tộc. Bà Bình tâm sự: “Với người Dao, trang phục truyền thống là bản sắc. Người Dao quan niệm, những người mặc trang phục truyền thống thì tổ tiên sẽ nhận ra họ và phù hộ. Đặc biệt, mỗi khi lấy chồng, các cô gái dân tộc Dao phải tự may, thêu cho mình hai bộ trang phục để mặc trong ngày cưới và làm quà cho mẹ chồng”.

Năm 2015, bà Bình cùng các hội viên NCT trong xã mở lớp thêu thùa và may trang phục truyền thống miễn phí cho các cháu trong xã. Ngoài ra, bà còn cùng các hội viên NCT đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động cho con em theo học nghề truyền thống.

Cùng với sự vào cuộc tích cực của NCT ở Sơn Động, tin tưởng rằng, những giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc sẽ được gìn giữ và phát triển.

Long Vũ

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Trần Duy Phương

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/nct-huyen-son-dong-tinh-bac-giang-tich-cuc-giu-gin-bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-dan-toc-53521.html