GS.TS Nguyễn Xuân Kính: Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà sư phạm đáng kính

15:22 | 25/06/2024 In bài biết

Dù đã vào cái tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng hằng ngày, GS.TS Nguyễn Xuân Kính vẫn nghiên cứu và hướng dẫn nhiều học viên hoàn thành nhiều luận văn, luận án, công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Nhiều công trình nghiên cứu về văn học dân gian của giáo sư đã để lại trong lòng độc giả và các nhà nghiên cứu khoa học ngưỡng mộ và trân trọng.

GSTS Nguyễn Xuân Kính sinh ra và lớn lên tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Năm 1973, ông tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1974, ông công tác tại Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (tức Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay), lần lượt ở Viện Văn học và Viện Nghiên cứu văn hoá (tức Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian trước đây); trong đó có 4 năm (1984 - 1988) là nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva, Liên Xô cũ. Năm 1996, ông được phong Phó Giáo sư. Năm 2002, ông được phong Giáo sư chuyên ngành Văn học.

Năm 1991, GS Nguyễn Xuân Kính được đề bạt Phó Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian. Năm 2005, ông làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hoá dân gian. Năm 2012, ông nghỉ quản lí và tiếp tục công tác ở Viện cho đến khi nghỉ hưu.

GS.TS Nguyễn Xuân Kính.
GS.TS Nguyễn Xuân Kính.

Vốn là người được đào tạo một cách “bài bản”, “hàn lâm” nhưng nhờ khả năng thâm nhập vào thực tiễn hoạt động điền dã, sưu tầm, khảo sát văn bản và công tác giảng dạy, đào tạo mà phong cách nghiên cứu của GS Kính trở nên dung dị hơn, kết hợp được lí thuyết chuyên sâu với muôn mặt đời sống văn học dân gian. Trên cơ sở nhận thức khái niệm và lí giải các phương diện hợp thành khoa nghiên cứu văn học dân gian (gắn với đặc điểm ngữ văn dân gian và tổng thể văn hóa dân gian), ông phân lập 27 mục bài viết thành sáu nhóm vấn đề chính: Về văn học dân gian Việt Nam nói chung và các thuộc tính; Khoa nghiên cứu văn học dân gian và một số tác gia nghiên cứu tiêu biểu…

Ông là tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách đã được nhiều sinh viên và đặc biệt là giới văn học, văn nghệ dân gian đánh giá rất cao, trong đó có thể kể đến như: Cuốn Văn hoá dân gian những phương pháp nghiên cứu (xuất bản năm 1990), Thi pháp ca dao (xuất bản năm 1993) và được tái bản lại nhiều lần, Kho tàng ca dao người Việt (xuất bản năm 1995)…

Bên cạnh việc nghiên cứu và viết sách, GS.TS Nguyễn Xuân Kính còn viết nhiều báo và tạp chí trong và ngoài nước được bè bạn đánh giá cao. Trong giới nghiên cứu văn hóa dân gian, ông còn được nhiều thế hệ học viên kính yêu và gọi với cái tên là thầy “văn hoá dân gian” bởi quá trình gắn bó tận tâm với sự nghiệp giáo dục. GS.TS Nguyễn Xuân Kính giảng dạy và hướng dẫn khoa học ở nhiều trường đại học, học viện cho nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh. Đến nay, ông đã hướng dẫn và đồng hướng dẫn cho hơn 30 nghiên cứu sinh thực hiện và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, rất nhiều học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ thuộc các chuyên ngành văn học dân gian, dân tộc học, văn hoá học,…

TS. Hà Xuân Hương, giảng viên Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên cho biết: “Quá trình thực hiện luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ tôi đều may mắn nhận được sự hướng dẫn tận tình của thầy Kính. Khi thiếu mắc vấn đề nào về nghiên cứu, thầy lại gợi mở và cung cấp rất nhiều tài liệu cho tôi để tôi có thể tham khảo hoàn thành luận văn, luận án của mình. Thật thú vị, tôi không chỉ học được ở thầy rất nhiều về công việc mà còn học được sự giản dị và lạc quan trong cuộc sống của thầy. Thầy là vị giáo sư thông minh và có trí nhớ tốt nhất trong số các giáo sư chuyên nghiên cứu về văn hoá dân gian mà tôi từng biết”

Long Vũ

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Trần Duy Phương

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/gsts-nguyen-xuan-kinh-nha-nghien-cuu-van-hoa-dan-gian-nha-su-pham-dang-kinh-53368.html