Sợ... “trăm năm”!

09:48 | 31/05/2024 In bài biết

Ngày 22/5, tại hội thảo “Giải bài toán phát triển giao thông đô thị”, nhiều ý kiến cho rằng, theo quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh có hơn 220km với 8 tuyến, tổng mức đầu tư khoảng 25 tỉ USD.

Đến nay, thành phố mới chỉ triển khai được 2 tuyến, trong đó tuyến đường sắt đô thị số 1 dài 19,7km dự kiến đưa vào khai thác thương mại vào năm 2024, tuyến tàu điện ngầm số 2 giai đoạn 1 dài 11,3km dự kiến vận hành vào năm 2032.

Nhưng việc xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị quá chậm. Tuyến số 1 được thi công xây dựng trong khoảng 17 năm, tuyến số 2 được thực hiện trong khoảng 22 năm. Đáng nói, sau khoảng 20 năm từ khi triển khai nghiên cứu, phát triển các dự án đường sắt đô thị, đến nay thành phố vẫn chưa có tuyến đường sắt đô thị nào chính thức khai thác thương mại.

Sợ... “trăm năm”!

Trong khi tại Kết luận số 49 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2035 phải hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Như vậy, trong 12 năm, phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị còn lại, khoảng 200km.

Cũng theo Kết luận này, 12 năm nữa, Hà Nội phải hoàn thành hơn 300km đường sắt đô thị, chi phí cần khoảng 37 tỉ USD.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có sự phát triển nhanh, chẳng mấy nữa mà trở thành “siêu đô thị” khiến áp lực lên hạ tầng giao thông công cộng là rất lớn. Và chỉ có đường sắt đô thị mới thực sự giải quyết được giao thông đô thị cho hai thành phố lớn nhất nước ta hiện nay.

Để hoàn thành đường sắt đô thị cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo Kết luận 49 là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi. Vì thế, các chuyên gia “mách nước”, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ có thể kết hợp phát triển các đô thị TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) dọc theo các nhà ga của hệ thống metro. Ngoài ra, để hoàn thành mục tiêu xây dựng đường sắt đô thị trong 12 năm tới, cần một nguồn vốn khổng lồ. Nếu không có giải pháp về cơ chế quản lí và nguồn tiền, tiếp tục vay vốn ODA thì rất khó trong việc chủ động hoàn thành sứ mệnh lịch sử 500km đường sắt đô thị.

Ý kiến tâm huyết của chuyên gia là, muốn có tiền để hoàn thành sứ mệnh thì phải làm TOD, quy hoạch TOD để đấu giá quyền đầu tư bất động sản ở khu vực đó. Theo đó, Nhà nước quy hoạch, quản lí, tổ chức đấu giá nhượng quyền đầu tư các dự án TOD sẽ tạo nguồn thu ngân sách để đầu tư hệ thống metro mà không (hoặc ít) vay tiền nước ngoài. Với cách quản lí theo mô hình này, Nhà nước sẽ có khoản tiền lớn để đầu tư vào đường sắt đô thị.

Nếu hơn 10 năm nữa, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có đủ đường sắt trên cao chúng ta sẽ có bộ mặt thành phố sạch đẹp, hiện đại, không tắc đường, không ô nhiễm. Nhưng nếu cứ tiếp tục triển khai với cách làm như 20 năm qua thì có thể trăm năm nữa cũng không thực hiện xong hệ thống đường sắt đô thị.

Tường Minh

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Lê Quang

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/so-tram-nam-52824.html